quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Phía sau tấm ảnh môi trường

Thứ Hai, 24/02/2020 | 09:33:00 AM

Hàng chục ngàn tấm ảnh anh chụp được trong hàng trăm lần “phượt” khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, có hơn một nửa liên quan đến bảo vệ môi trường sinh thái. Anh bảo: “Giữa lúc không gian sinh tồn ngày càng ô nhiễm, những tấm ảnh như một lời cảnh báo con người hãy chung tay bảo vệ môi trường xanh, sạch để tồn tại”. Anh là Đỗ Trọng Hoài Ân có “thâm niên” 37 năm bấm máy và niềm đam mê chưa bao giờ cạn.


Đâu có rác là anh có mặt

Thay vì ngày Tết nghỉ ngơi, hoặc ít nhất là “xả stress” sau 360 ngày “phượt” đi khắp “hang cùng ngõ hẻm” để “chộp” những tấm hình “rác rưởi”, hoặc liên quan đến môi trường sinh thái, Hoài Ân lại tất bật với máy ảnh và xách ba lô rồ” xe máy bất cứ lúc nào khi nghe phong phanh “đổ trộm rác thải”, hoặc “dọn vệ sinh môi trường”, hay “cứu hộ cứu nạn, đuối nước ngoài biển”.

Anh bảo: “Nhiều người nghĩ nhiếp ảnh nhàn, sang, dễ kiếm tiền, nhưng vào nghề mới thấy vất vả và nguy hiểm. Vất vả bởi phải “phượt” không kể giờ giấc, ngày đêm, nguy hiểm bởi có khi đang “chộp” ảnh bị đối tượng xấu hành hung, giựt máy ảnh đập nát. Nhưng nhiếp ảnh đã gắn bó với tôi, nên bất chấp mọi điều”, Hoài Ân chia sẻ

Nhiếp ảnh Đỗ Trọng Hoài Ân và chiếc máy ảnh chuyên “chộp cảnh rác”. Ảnh: Lê Khanh

Trong nhiều câu chuyện Hoài Ân tâm sự, có một chuyện làm chúng tôi xúc động là chuyện anh “ôm máy vượt biển” ra Côn Đảo để “chộp” đống rác khổng lồ ở Bãi Nhát. “Nếu không có báo chí phanh phui, không có những tấm hình làm bằng chứng, chắc chắn bãi rác khổng lồ ở Côn Đảo bây giờ vẫn chưa được dọn đi và đồng nghĩa với người dân Côn Đảo “gánh” nạn ô nhiễm, Côn Đảo sẽ đánh mất khách du lịch từ bãi rác ấy”, Hoài Ân phân trần.

Năm 2018 và 2019, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có một sự kiện đặc biệt về chất lượng môi trường sống có liên quan đến bãi rác khổng lồ ở Bãi Nhát (đường đi Bến Đầm - Côn Đảo). Bãi rác tồn tại 20 năm, cao ngất như núi, ngày đêm, bốc mùi xú uế. Mặc dù, bãi rác ở Bãi Nhát cách xa trung tâm thị trấn Côn Đảo và luôn có “không gian mở” bởi giữa núi đồi, song mùi hôi xâm nhập qua không khí, bán kính ô nhiễm gần 10 km2. Với người dân Côn Đảo, 20 năm qua, họ đã “gồng mình” chịu trận, còn khách du lịch mỗi lần đi từ Vũng Tàu ra Côn Đảo đều “bịt mũi” mỗi lần đi qua Bãi Nhát. Làm thế nào để “đánh thức” chính quyền địa phương có biện pháp hữu hiệu đưa bãi rác khổng lồ này vào đất liền hoặc thiêu hủy, tránh ô nhiễm môi trường kéo dài? Trong khi nhiều cơ quan báo chí phản ánh về thực trạng ô nhiễm ở Bãi Nhát, tại sao mình là người địa phương lại “bình chân như vại”, trong khi đó, mình có nghề? Nghĩ vậy, Hoài Ân xách máy lên đường.

Bước chân xuống tàu cánh ngầm Vũng Tàu - Côn Đảo là lúc mùa gió chướng tràn về. Mặc dù say sóng, nhưng cứ nghĩ đến bãi rác khổng lồ gây ô nhiễm, Hoài Ân quyết tâm phải “chộp” cho được tấm ảnh sống động nhất, chân thực nhất.

Bộ đội Hải quân dọn vệ sinh môi trường. Ảnh: Hoài Ân

Sau hơn 5 giờ vượt sóng, kết thúc ở Cảng Bến Đầm, anh thuê xe máy chạy luôn đến Bãi Nhát. Xế chiều, trời se lạnh, cả Bãi Nhát bốc mùi hôi rợn người. Ngọn rác khổng lồ như núi án ngữ trước mặt với hàng triệu ruồi muỗi “ký sinh” ở đó. Để chọn góc máy hợp lý, anh đã trèo lên đỉnh núi chụp xuống, đứng từ chân núi hắt lên. Cảnh hàng triệu con ruồi đậu kín cả ngàn mét vuông rác; cảnh những đứa trẻ “mưu sinh trên rác”; cảnh nước bẩn rò rỉ chảy thành dòng đen kịt từ bãi rá đổ thẳng ra biển Côn Đảo… tất cả đều được Hoài Ân ghi lại đầy đủ, chi tiết.

“Chuyến đi đó khá vất vả, nhưng đem lại cho tôi nhiều cảm xúc. Hứng thú nhất là những tấm ảnh chụp rác thải Bãi Nhát được triển lãm trong cuộc thi “Hãy bảo vệ môi trường sống” do Hội Nhiếp ảnh thành phố Vũng Tàu tổ chức. Cái tên “nhiếp ảnh môi trường” của tôi từ đó được nhiều đồng nghiệp biết hơn.

“Dơ túi còn hơn dơ phố”

Có một điều Hoài Ân luôn quan niệm “dơ túi còn hơn dơ phố”. Tức là thà để túi mình bẩn còn hơn quăng, ném chất thải ra môi trường xung quanh. Quan niệm đó xuất phát từ câu chuyện khi anh đi chụp ảnh ở bãi biển Vũng Tàu.

Anh kể, chừng 10 năm trước, ngày ấy, Bãi Sau Vũng Tàu gọi được khách du lịch gọi là “hổ lốn”, “lộn xộn” nhất trong hệ thống bãi tắm du lịch của miền Đông Nam Bộ. Cứ ngày thứ Bảy, Chủ Nhật, khách từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, miền Tây Nam Bộ kéo đến tắm biển và họ sẵn sàng xả rác tại chỗ. Cả Bãi Trước, Bãi Sau thời gian đó, chẳng khác “bãi rác thải” lúc cuối chiều tối. Hàng trăm ki ốt tự phát mọc sát bờ kè, hàng trăm xe đẩy di động bán tôm nướng, mực chiên, đậu phộng rang ngổn ngang dọc đường Thùy Vân.

Một lần anh xách máy đi chụp những người “vô tâm” xả rác bừa bãi với mục đích lên án nạn xả rác và ý thức kém của những vị khách. Anh gặp nhóm thanh niên ngồi trên bãi biển, vừa uống bia ăn cua, vừa la hét inh ỏi bằng loa kẹo kéo. Tiến gần anh nhắc khéo: “Các bạn trẻ xin đừng xả rác bừa bãi ra biển”. Không những không chấp hành, nhóm bạn trẻ còn “xửng cồ”: “Bãi biển nhà ông hả? Cứ xả được không?”

Đẹp như bãi biển Phan Rang. Ảnh: Hoài Ân

Trước khi rời đi chỗ khác, anh ôn tồn: “Dơ túi còn hơn dơ phố. Để bãi tắm sạch, mỗi người phải có ý thức. Tôi chỉ muốn nhắc nhở các bạn hãy có lòng tự trọng bảo vệ môi trường sống. Tôi gặp rất nhiều trường hợp xả rác. Lần nào tôi cũng nhắc, khuyên hãy bảo vệ môi trường sống. Có người mắng tôi là khùng, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, nhưng đó là trách nhiệm của một công dân, nói đúng hơn là mỗi người nêu cao ý thức để bảo vệ môi trường sống quanh mình” - Hoài Ân chia sẻ.

Lặng lẽ mưu sinh

Những nhiếp ảnh khác thường đến những nơi lãng mạn như đám cưới chụp ảnh mưu sinh hoặc đến yến tiệc, sự kiện theo “lời mờ” của tổ chức hoặc cá nhân nào đó,  còn anh đến bãi rác. Đó là sự khác biệt với đồng nghiệp.

37 năm làm nghề với hàng chục ngàn tấm ảnh ghi lại khắp mọi miền đất nước, trong đó, phần lớn là ảnh chụp về môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường hoặc khắc phục hậu quả thiên tai, hành trang của anh là chiếc xe máy cà tàng “đỡ tốn xăng” và chiếc máy ảnh ống tele dài nửa thân người cùng chai nước, hộp bánh mì nóng. Chỉ nhiêu đó đủ để anh “phượt” và cho “ra lò” hàng trăm tấm ảnh sống động về môi trường. Lễ, Tết, ngày nghỉ là lúc anh bận rộn hơn cả. Bởi đó là thời gian môi trường ô nhiễm vì nạn xả rác vắng ý thức của những người vô ý thức. Sống ở Vũng Tàu, nhưng nơi “mưu sinh” của ảnh là những nơi “rác thải công nghiệp” hoặc “hố bẩn, sông cạn, hồ ô nhiễm”. Với những nơi có những con người đang “chịu trận” vì môi trường ô nhiễm, hoặc đất đai, cây xanh bị hạn hán, nứt nẻ không có giọt mưa, đó là địa điểm để anh dừng bước “ba cùng” với người dân. Ẩn sâu trong những khung hình rác thải là những giọt mồ hôi sau làn áo dày cộp chống nóng, che mưa. Để rồi sau mỗi chuyến “phượt” xa, anh đem về những sản phẩm quý giá về môi trường.

54 tuổi đời, Hoài Ân chưa phải là nhà nhiếp ảnh “gạo cội” trong làng ảnh Việt, nhưng chí ít, anh cũng góp sức tuyên truyền trực quan trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và không gian sinh tồn xanh sạch của người Việt gần bốn thập kỷ qua.

Nguồn: Báo TNMT

Lượt xem: 1291

Các tin khác

Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

(17/03/2024 06:53:AM)

Thúc đẩy chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước tại Việt Nam

(10/03/2024 07:49:AM)

Giảm dấu chân carbon - hướng tới net zero

(06/03/2024 04:46:AM)

Doanh nghiệp và xu thế chuyển đổi xanh

(21/02/2024 09:11:AM)

Chuyển đổi xanh: Vấn đề và giải pháp cho Việt Nam

(19/02/2024 09:12:AM)

Doanh nghiệp “xanh”, doanh nhân “xanh” là hạt nhân của phát triển bền vững

(11/02/2024 06:45:AM)

Thúc đẩy tái chế, tái sử dụng chất thải

(09/02/2024 07:08:AM)

Bán tín chỉ carbon: Tiềm năng lớn trong ngành nông nghiệp

(08/02/2024 07:03:AM)

Làm dự án du lịch sinh thái trong vườn quốc gia Tam Đảo: Chuyên gia nói thẳng

(26/01/2024 06:56:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE