quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Phụ nữ “nói không” với bếp than tổ ong

Thứ Tư, 23/09/2020 | 09:00:00 AM

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Hà Nội là đến hết năm 2020 xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Đống Đa đã và đang triển khai mô hình “Phụ nữ nói không với bếp than tổ ong”. Mô hình đã từng bước góp phần chấm dứt việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn quận, giữ gìn môi trường, cảnh quan trong lành, sạch, đẹp.


Hội Liên hiệp phụ nữ quận Đống Đa trao tặng những chậu hoa được tái chế từ bếp than tổ ong cũ cho Trường Tiểu học La Thành (quận Đống Đa).

Tặng bếp hồng ngoại thay thế bếp than

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thổ Quan (quận Đống Đa) Trần Hương Ly cho biết, thực hiện chỉ đạo của quận và Đảng ủy phường về việc không sử dụng bếp than tổ ong, Hội Liên hiệp phụ nữ phường đã tuyên truyền, vận động thuyết phục được 50% số gia đình hội viên từ bỏ việc sử dụng bếp than tổ ong. Với các hộ kinh doanh dịch vụ, Hội cũng vận động để họ ký cam kết không sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh hằng ngày, thay thế bằng các loại bếp thân thiện với môi trường.

Là một trong những hộ kinh doanh từng sử dụng bếp than tổ ong nhiều năm, bà Khúc Thị Loan (Tổ dân phố số 3, phường Thổ Quan) chia sẻ: “Được Hội Liên hiệp phụ nữ phường tuyên truyền, vận động, tôi đã bỏ sử dụng bếp than tổ ong được 3 tháng. Từ khi chuyển sang sử dụng bếp điện, tôi không phải dậy sớm nhóm bếp, không khí hít thở cũng trong lành hơn”.

Đặc biệt, từ nguồn kinh phí hoạt động của Hội và nguồn xã hội hóa, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thổ Quan đã trao tặng bếp hồng ngoại cho 50 gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Gia đình chị Lê Phương Hoa (Tổ dân phố số 10, phường Thổ Quan), là hộ cận nghèo, rất vui mừng khi được tặng bếp hồng ngoại. Chị Hoa bày tỏ: “Gia đình tôi đã cam kết không sử dụng bếp than tổ ong. Nay được Hội Liên hiệp phụ nữ phường tặng bếp hồng ngoại, tôi rất vui và cảm ơn tổ chức hội đã quan tâm thiết thực đến đời sống hội viên”.

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thay thế bếp than tổ ong vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần sự nỗ lực của các cấp hội và sự chung tay góp sức của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 7 (phường Phương Liên, quận Đống Đa) Tô Thị Khánh Hảo chia sẻ: “Chi hội hiện còn 5 hộ hội viên vẫn sử dụng bếp than tổ ong. Qua vận động, các hộ cam kết đun hết số than đã mua sau đó sẽ chuyển đổi sang bếp thân thiện với môi trường”.

Còn Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Trung Phụng (quận Đống Đa) Đỗ Thị Luyện cho hay: “Hiện chúng tôi đã vận động được gần 10 gia đình hội viên không sử dụng bếp than tổ ong, đang tiếp tục vận động hơn 20 hộ. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ rà soát, hỗ trợ những gia đình khó khăn”.

Làm thành sản phẩm thân thiện môi trường

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Đống Đa Nguyễn Lan Hương cho biết, thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30-10-2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn thành phố, ngay từ đầu năm 2020, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền trong toàn thể cán bộ, hội viên để nhận thức rõ tác hại của việc sử dụng bếp than tổ ong. Kết quả, Hội Liên hiệp phụ nữ các phường đã vận động từ 769 gia đình hội viên phụ nữ sử dụng bếp than tổ ong xuống còn 346 gia đình.

Đặc biệt, với những bếp than tổ ong không sử dụng nữa, Hội Liên hiệp phụ nữ quận và các phường có sáng kiến thu hồi, sơn sửa, vẽ tranh, trồng hoa, cây cảnh, biến chúng thành sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham gia trồng hoa làm đẹp từ bếp than tổ ong bỏ đi, bà Nguyễn Thị Hiển, Chi hội Phụ nữ số 5 (phường Thổ Quan) bộc bạch: “Tôi thấy việc làm này rất ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm của hội viên phụ nữ trong việc chung tay bảo vệ môi trường. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ việc mua cây để trồng trong những bếp than tổ ong bỏ đi và sẽ đặt tại các chân rác đã xóa, góp phần làm đẹp cảnh quan”.

Không những vậy, bếp than tổ ong sau khi trang trí làm chậu hoa còn được tặng cho các trường học làm học cụ và làm đẹp cảnh quan môi trường sư phạm. Tiếp nhận sản phẩm do hội viên phụ nữ thực hiện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Thành (phường Thổ Quan) Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết: "Việc tiếp nhận những bếp than tổ ong được tái chế sẽ góp phần giáo dục tình yêu môi trường cho học sinh, từ đó giúp các em biết cách tuyên truyền cho người thân không sử dụng bếp than tổ ong”.

“Từ cách làm hay là tặng bếp hồng ngoại, vẽ tranh và trồng hoa trên bếp than cũ, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Đống Đa sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng xuống từng chi hội thông qua những buổi sinh hoạt hội viên, phấn đấu đến tháng 12-2020 sẽ không còn hộ nào sử dụng bếp than tổ ong. Chúng tôi khuyến khích cơ sở Hội thực hiện tái chế, làm sao để sử dụng thật ý nghĩa và hiệu quả bếp than tổ ong cũ, phát huy vai trò của các cấp Hội Phụ nữ trong việc bảo vệ môi trường”, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Đống Đa Nguyễn Lan Hương bày tỏ.

Dương Linh/HNMO

Lượt xem: 1604

Các tin khác

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

Thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

(22/03/2024 07:08:AM)

Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

(17/03/2024 06:53:AM)

Thúc đẩy chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước tại Việt Nam

(10/03/2024 07:49:AM)

Giảm dấu chân carbon - hướng tới net zero

(06/03/2024 04:46:AM)

Doanh nghiệp và xu thế chuyển đổi xanh

(21/02/2024 09:11:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE