quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Tại sao Yên Tử (3): Giải mã sự suy thoái của Trúc Lâm Thiền Tông

Thứ Bảy, 09/04/2011 | 08:46:00 AM

Sau thời kì phát triển rực rỡ trong đời Trần với 3 vị Sư Tổ, Trúc Lâm Thiền Tông đi vào thoái trào. Lí do là ở đâu?

 
Nguyễn Đình Hòe VACNE
 
Chùa Hoa Yên , Yên Tử
1.Sự suy tàn của Trúc Lâm Thiền Tông.
Thiền phái Trúc Lâm Tên Tử do vua Trần Nhân Tông sáng lập, là Quốc giáo của Đại Việt thời đó. Sau Trần Nhân Tông có hai vị Sư tổ nối tiếp là Pháp Loa và Huyền Quang. Sau ba vị Tổ nói trên, Trúc Lâm Thiền Tông suy thoái, mặc dù sau khi Trần Nhân Tông băng hà (1293), nhà Trần vẫn còn 10 đời vua kéo dài thêm 107 năm nữa. Hệ thống truyền thừa của phái này sau Đệ Tam Sư Tổ Huyền Quang không còn rõ ràng, đến thời kì Trịnh-Nguyễn phân tranh (1600-1700), người ta lại thấy xuất hiện những vị Thiền sư của Trúc Lâm Yên Tử như Viên Cảnh Lục Hồ, Viên Khoan Đại Thâm và Minh Châu Hương Hải (1).
Thiền Tông Trúc Lâm vẫn tồn tại cho đến ngày nay, như dòng máu chảy âm ỷ trong huyết quản người Việtvà đang trong thời kì phát triển trở lại. Sự phục hồi của Trúc Lâm Yên Tử và hàng loạt Trúc Lâm Thiền Viện trên mọi vùng đất nước đã minh chứng cho nhận định này.
Sự suy tàn của Trúc Lâm Thiền Tông cuối đời Trần có lẽ là kết quả của cuộc chiến Nho giáo và Phật giáo, không chỉ diễn ra trong thời Trần, mà trước đó rất lâu trong thời Lý với dấu ấn là vụ án Lê Văn Thịnh.
2. Cuốc chiến Nho giáo và Thiền Tông
2.1. Vụ án Lê văn Thịnh.
Lê Văn Thịnh quê ở thôn Bảo Tháp, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh. Năm Canh Tuất 1070, vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu ở kinh thành Thăng Long. Nho học bắt đầu có địa vị hính thức trên vũ đài chính trị và tư tưởng của Đại Việt kể từ đó. Đến năm Ất Mão 1075 niên hiệu Thái Ninh, vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127) cho mở khoa thi Nho học đầu tiên gọi là Minh Kinh Bác Học (Tam Trường).Thời này, mãi đến 1247 mới đặt các học vị Trạng Nguyên, Bãng Nhãn và Thám Hoa. Lê Văn Thịnh đỗ thủ khoa năm 1075 kỳ thi Minh kinh bác học thời Lý Nhân Tông - tức là thủ khoa vào kỳ thi cử đầu tiên của Việt Nam, vì vậy mà ông thường được suy tôn là trạng nguyên.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: Mùa xuân, tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển ra làm quan ngay; ông được vào cung dạy Lý Nhân Tông (vua mới 9 tuổi, lên ngôi năm Nhâm Tí 1072 lúc 6 tuổi). Như vậy Lê văn Thịnh là thầy của Lý Nhân Tông. Là người có đức độ tài năng, lại có công lao lớn nên ông làm quan tới chức Thái sư.
Năm 1096, tháng 3, Lê Văn Thịnh bị quần thần triều Lý Nhân Tông tố cáo làm phản (bị vu cho tội “hóa hổ vồ vua” tại hồ Tây), vua Lý Nhân Tông lúc này đã 30 tuổi, đầy ông lên vùng Sông Thao, tỉnh Phú Thọ. Theo Việt Nam Sử Lược, thì ông bị đày đến vùng Lương Giang (Thanh Hóa). Vua không giết ông nhưng lệnh suốt đời không cho ông về Thăng Long. Rõ ràng Lý Nhân Tông không dám (hoặc không thể) giết thầy của mình nhưng không muốn hay không thể dùng ông. Ngô Sĩ Liên đã từng viết: “Kẻ làm tôi, phạm tội giết vua cướp ngôi mà được miễn tội chết, thế là sai trong việc hình, lỗi ở vua tin sùng đạo Phật” (3). Quan điểm của Ngô Sĩ Liên rõ ràng là quan điểm của một Nho gia.
Thời Lý – Trần, kinh thành Thăng Long là nơi hội tụ văn hóa Việt – Đông Nam Á thông qua cửa ngõ Chămpa. Rất nhiều yếu tố Ấn Độ giáo đã được du nhập và phát triển tại Thăng Long như các pho tượng và phù điêu bằng đá sa thạch, tượng nữ thần chim bằng sa thạch ở hoàng thành Thăng Long và chùa Phật Tích Bắc Ninh, giếng vuông Champa ở Bưởi, tượng 10 con thú bằng sa thạch nặng hàng tấn ở chùa Phật Tích,…Ngoài các dấu tích văn hóa vật thể đó, còn có Thiền tông Phật giáo thuộc phái Thảo Đường có gốc Champa mà 3 vua nhà Lý đều là thiền sư (Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông và Lý Cao Tông). Rồi tới chuyện trồng tập đoàn cây muỗm nguồn gốc Đông Nam Á dày đặc ở Thăng Long. Rõ ràng điều mà triều Lý muốn làm là thiết lập các vương triều độc lập mang bản sắc Đông Nam Á, để khác hẳn với các vương triều phía bắc. Trong khi đó Thái sư Lê Văn Thịnh lại là “Trạng nguyên” Nho học.

Tượng “rắn-rồng” ở Đền thờ Lê Văn Thịnh
Tại thôn Bảo Tháp, ở sân đền thờ Lê Văn Thịnh (được xây dựng thời Hậu Lê) gần đây người dân đã phát hiện một pho tượng kỳ lạ bằng đá sa thạch nguyên khối tạc hình một con rắn lớn (dạng rồng) trong tư thế "miệng cắn thân, chân xé mình" không rõ ai đã vùi trong lòng đất và vùi vào thời gian nào. Pho tượng toát lên nỗi đau đớn, phẫn uất. Nhiều người giải đoán rằng pho tượng “rắn” này chính là hiện thân của Lê Văn Thịnh, trạng khai khoa của nền Quốc học Nho học Việt Nam, đã chịu hàm oan trong vụ án hồ Dâm Đàm (hồ Tây) từ thời nhà Lý. Ai đó đã tạc pho tượng này để biện minh cho nỗi oan khuất đó, và niên đại của pho tượng sớm nhất cũng chỉ vào khoảng thời nhà Hậu Lê khi ngôi đền được xây dựng (3).Đó chỉ là lí giải hiện đại vì việc phát hiện pho tượng chỉ xảy ra mưoi năm gần đây. Pho tượng là duy nhất ở nước ta, không có họ hàng gần gũi nên rất khó đoán định tác giả và niên đại của nó. Tuy nhiên điều mà giới học giả bỏ qua khi bàn thảo về pho tượng là chi tiết: nó được tạc bằng sa thạch, theo phong cách Chămpa. Vậy liệu đây có phải là pho tượng “yểm” Lê Văn Thịnh của ai đó phản đối Nho giáo chăng?
2.2.Sự về vườn của Tuệ Trung Thượng sĩ.
Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230 - 1291) tên thật là Trần Tung (hay Trần Quốc Tung).Ông sinh năm 1230, là con trưởng của An Sinh Vương Trần Liễu, anh ruột của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm, vợ vua Trần Thánh Tông. Như vậy ông là bác bên ngoại của vua Trần Nhân Tông. Ông tham dự cả ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông năm 1258, 1285 và 1288 lập nhiều công lao. Ông là thành viên Hoàng tộc với tước hiệu Hưng Ninh Vương và là một thiền sư. Ông là người hướng dẫn vua Trần Nhân Tông vào cửa Thiền và có nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của vị vua sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Còn chính Trần Nhân Tông thì đã nhận ông làm thầy (2) . Qua những tác phẩm văn thơ còn để lại, Tuệ Trung Thượng Sĩ được đánh giá là một người tài nhưng bất đắc chí. Ông từ quan về sống đời sống dân dã kiểu Thiền tại gia, tại vùng đất được phong ở Thái Bình. Vậy ông bị sức ép nào nếu không phải là từ tầng lớp thân vương quan lại nhà Trần trọng Nho giáo?
Những thông tin trên cho phép nhận xét rằng Trần Tung muốn phát triển Thiền Tông Phật giáo làm quốc giáo nhưng không đủ lực. Ông về vườn nhưng đã ủng hộ và hướng dẫn Trần Nhân Tông sớm từ bỏ ngai vầng để xây dựng Trúc Lâm Thiền Tông. Với vị thế Thái Thượng Hoàng nhưng còn rất trẻ, Trần Nhân Tông đã xây dựng thành công Thiền phái này và biến nó thành Quốc giáo của Đại Việt. Tuy nhiên Trúc Lâm Thiền Tông cũng chỉ hưng thịnh được qua 3 đời sư tổ. Giáo lí chiến thắng, cuối cùng, vẫn là Nho giáo.
2.3.Vài nét về Nho giáo
Nho giáo còn được gọi là Khổng giáo, là một hệ thống đạo đức, triết lý và tôn giáo do Khổng Tử (sinh năm 551 trước công nguyên, cùng thời với Lão Tử tác giả bộ Đạo Đức kinh, được coi là một bộ phận và tiền thân của T’ian – tức Thiền Trung Quốc) phát triển để xây dựng một xã hội phong kiến thịnh trị. Cơ sở của Nho giáo được hình thành từ thời Tây Chu, với sự đóng góp đặc biệt của Chu Công Đán, còn gọi là Chu Công. Đến thời Xuân Thu, xã hội loạn lạc, Khổng Tử phát triển, hệ thống hóa và tích cực truyền bá các tư tưởng của Chu Công. Vì thế mà người đời sau coi ông là người sáng lập ra Nho giáo. Tuy nhiên Nho giáo từ thời Hán đã biến tướng, không giống nho giáo của Không Tử, Người ta gọi Nho giáo của Khổng tử là Nho giáo nguyên thủy để phân biệt với Nho giáo biến tướng sau này có tên là Hán Nho..
Đến đời Hán, Hán Vũ Đế đưa Nho giáo lên hàng quốc giáo để dùng làm công cụ thống nhất đất nước về tư tưởng. Từ đó, Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống bảo vệ chế độ phong kiến Trung Hoa trong suốt hai ngàn năm. Nho giáo thời kỳ này được gọi là Hán Nho. Điểm khác biệt so với Nho giáo nguyên thủy (thời Khổng Tử) là Hán Nho đề cao quyền lực của giai cấp thống trị, Thiên Tử là con trời, dùng "lễ trị" để che đậy "pháp trị". Hán Vũ Đế giao cho Lưu Hâm cầm đầu một nhóm học giả cải tạo và biến đổi Nho giáo để phục vụ vương triều.
 Lưu Hâm và cộng sự làm được ba việc:
·        Hạ thấp nhân trị, đề cao lễ trị. Vì nhân trị là cốt lõi của Khổng Tử nên họ không thể loại bỏ hoàn toàn mà dùng nhân trị như một cái vỏ bao bọc lễ trị.
·        Loại bỏ tính dân chủ của Nho giáo nguyên thủy. Dân chủ bị làm cho lu mờ, thay vào đó  đề cao "trời", tạo ra thuyết "thiên mệnh". Vua là "thiên tử" (con trời), không nghe theo vua là phản lại trời. "Ngũ luân" trong Nho giáo nguyên thủy được rút gọn thành "tam cương" : vua-tôi, cha-con, vợ-chồng. Quan hệ "trung dung" trong Ngũ luân được chuyển thành quan hệ một chiều duy nhất được tóm gọn trong bốn chữ "trung-hiếu-tiết nghĩa". Bề tôi phải tuyệt đối phục tùng vua, con phải tuyệt đối nghe lời cha, vợ phải tuyệt đối phục tùng chồng, đó là những mối quan hệ hết sức phi nhân bản: "Vua bảo tôi chết, tôi không chết là tôi bất trung; cha bảo con chết, con không chết là con bất hiếu". Còn trách nhiệm của vợ đối với chồng thì được diễn đạt bằng  công thức Tam tòng: "Ở nhà theo cha, lấy chống theo chồng, chồng chết theo con trai".
·        Biến tấu nội hàm của văn hóa theo hướng có lợi cho chế độ phong kiến. Quan hệ nam nữ bị giới hạn một cách quá đáng: "nam nữ thụ thụ bất thân". Đề cao nam, hạ thấp nữ: "nam tôn, nữ ti", "dương thiện, âm ác", phụ nữ không được đi học và làm quan (4) .
Sau khi đánh bại Hai Bà Trưng, nhà Hán nghĩ ngay đến việc bành trướng Hán Nho sang Giao chỉ nên đã cử một nhà Hán học tài ba là Sĩ Nhiếp sang làm Thái thú xứ này, mở đầu cho một ngàn năm Bắc thuộc trong lịch sử Đại Việt. Chắc chắn rằng vào thời Lý - Trần, dù Quốc giáo là Phật giáo, nhưng ảnh hưởng của Hán Nho không bao giờ nhỏ và cũng không bao giờ dừng lại.
3.Kết cục của cuộc chiến Hán Nho  và Thiền tông
Rõ ràng Hán Nho là vũ khí lợi hại của các vương triều phong kiến tập trung, dùng cho việc cai trị dân chúng. Từ cuối đời Trần cùng với việc Trúc Lâm Thiền Tông đi vào thoái trào, Hán Nho ngày càng chiếm thế thượng phong. Kể từ đời Hậu Lê, Hán Nho hoàn tất cuộc chiến thắng và lên ngôi như một thứ Quốc giáo mới, kéo dài cho đến đến cuối triều Nguyễn. Trong giai đoạn này, Đại Việt (từ thời Nguyễn là Việt Nam) tuy vẫn là một nước độc lập nhưng nền văn hóa mang đậm tính chất Hán Nho. Học Hán Nho phải học chữ nho, chữ nho thì khó học, khiến cho đại bộ phận dân chúng Việt Nam cho đến năm Độc lập 1945 vẫn mù chữ. Có lẽ một nguyên lí Thiền đã đúng khi khẳng định “trong họa có phúc”. Bởi vì đại đa số người dân mù chữ nên Hán Nho không đủ sức làm thay đổi triệt để triết lí sống của người Việt, nhất là ở cấp làng xã, tại những nơi đó, chùa làng với triết lí Thiền Phật giáo vẫn tồn tại.
Mùa xuân lại về, con dân Việt đang nô nức về thăm thánh địa Trúc Lâm Yên Tử. Hàng tùng cổ thụ - Mai vàng cổ thụ - những Cây đại cổ thụ và Rừng trúc vẫn xanh tươi bên ngôi Cổ tháp có pho tượng vị Tổ thứ nhất Trúc Lâm Thiền Tông 700 năm trước. Trúc Lâm Thiền Tông đang hồi sinh trong lòng dân tộc, nhưng thế giới – xã hội - con người đã thay đổi. Tuy nhiên mãi mãi con dân Việt vẫn nhớ và ghi ơn vị vua Anh hùng, vị Sư Tổ một dòng Thiền mang bản sắc Đại Việt được xây dựng làm triết lí cho  nền độc lập của đất nước.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, lại thấy các “ông đồ” cả già lẫn trẻ đi bán chữ Nho, đi trình diễn thư pháp chữ Nho. Nhiều người dân vẫn còn tục lệ đầu năm đi xin (thực chất là mua) chữ Nho. Đó là một phong tục  lưu lại từ thời Nho giáo còn thống trị nền Quốc học nước nhà. Nhưng thiển nghĩ nếu phong tục này xuất hiện cả trong dịp lễ hội Yên Tử thì sẽ là một nét…hài hước. Các Thiền sư vẫn nói: “không hài hước chẳng có Thiền”. Đúng vậy sao?
Chú thích:
(1).Trúc Lâm thiền Tông
 
 

Lượt xem: 1555

Các tin khác

Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhự

(25/04/2024 07:01:AM)

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE