quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Thế giới có một ngày cho cây

Thứ Sáu, 01/05/2015 | 06:58:00 AM

“Người nào trồng một cái cây, Người đó có cả bầu trời”. (Lão Tử)

 
Ở Berlin (Đức) cây là một phần tất yếu trong thành phố - Ảnh: L.N.M.

Hằng năm, nhiều quốc gia trên thế giới kỷ niệm “Ngày cây xanh” (Arbor day) vào những thời điểm khác nhau nhưng cùng một tôn chỉ: tôn vinh ý nghĩa của rừng, của cây xanh đối với con người và sự phát triển kinh tế, cũng như đề cao trách nhiệm của người đối với cây xanh.

ỨNG XỬ VỚI CÂY

Ý tưởng về “Ngày cây xanh” thế giới có nguồn gốc từ thế kỷ 19, dựa trên sáng kiến của nhà báo người Mỹ Julius Sterling Morton, người nổi tiếng với câu nói: “Những ngày lễ khác để hồi tưởng quá khứ. Ngày cây xanh là để hướng tới tương lai”.

Năm 1872, ý tưởng về “Ngày cây xanh” lần đầu được ông đệ trình tại bang Nebraska, sau 20 năm đã lan rộng khắp nước Mỹ. Năm 1951 Liên Hiệp Quốc chính thức chuẩn y ngày này và kêu gọi các quốc gia chọn một “Ngày cây xanh” trong năm tùy theo điều kiện khí hậu, môi trường và đặc thù của nước mình.

Những “Ngày cây xanh” này còn được gọi là “Ngày trồng cây toàn quốc” với hàng triệu cây xanh được trồng khắp nơi. Tháng 4 cũng được một số quốc gia chọn để tổ chức “Ngày cây xanh” của họ, như tại Mỹ (thứ sáu cuối cùng của tháng 4), Hàn Quốc (5-4), Kenya (21-4), Đức (25-4)...

Bắt đầu từ năm 2014, người dân thành phố Melbourne (Úc) có thể viết thư cho cây. Ý tưởng này được tòa thị chính thành phố áp dụng cho hơn 70.000 cây xanh trên các đường phố tại Melbourne. Từng gốc cây được gắn số, có một địa chỉ email để người dân có thể kịp thời thông báo về những biến đổi bất thường của cây trước cửa nhà họ...

Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc về “Ngày cây xanh”, ngày 25-4-1952 được chọn là “Ngày cây xanh” tại Đức. Một hội đồng quốc gia “Cây của năm” được thành lập. Hội đồng này trực thuộc Hiệp hội Cây xanh, họp một năm một lần vào tháng 10 để bình chọn ra một loài cây là biểu tượng cây của năm kế tiếp, cũng như lên kế hoạch các hoạt động trong năm tới theo tiêu chí: “Người vì cây, cây vì người”.

Thường thì những cây có nguy cơ tuyệt chủng hay được chọn làm biểu tượng “Cây của năm”, qua đó kêu gọi sự chú ý và bảo vệ của con người với loài cây đó.

Hằng năm vào ngày 25-4, hội đồng cây của năm tại các bang và thành phố của Đức tổ chức rất nhiều hoạt động liên quan tới cây xanh và môi trường như: hội thảo của giới chuyên môn, hội thảo dành cho đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức về cây xanh, lễ hội trồng cây dành cho các gia đình, các cuộc triển lãm cây từ các vườn ươm trong vùng, trao giải cho những cây đẹp, bầu chọn và rước kiệu Nữ thần cây...

Tại Berlin có cây cổ thụ hơn 900 năm tuổi có tên gọi “Marie béo”, được chăm sóc và có hồ sơ lý lịch như tất cả những cây cổ thụ được xếp hạng ở Đức. Cây sồi cổ thụ này có chiều cao 20m, đường kính gốc 2,1m và có mặt bên hồ Tegel từ năm 1107.

CÂY LÀ NGƯỜI

Có tới hơn 30.000 loài cây xanh khác nhau đang có mặt trên Trái đất này. Cây xanh đóng một vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống con người và đối với môi trường của Trái đất, điều đó có lẽ không cần phải nói nhiều nữa.

Tầm quan trọng của cây trong đời sống tinh thần con người như thế nào cũng không cần bàn thêm. Vậy mà không phải ở nơi nào trên Trái đất này, cây xanh cũng được đối xử tử tế và xứng đáng với những ích lợi trước mắt và lâu dài mà chúng mang lại cho con người.

Bao giờ Việt Nam có được một “Ngày cây xanh” như vậy? Nhận thức về cây còn khiếm khuyết ở nhiều tầng lớp xã hội, khi mà trẻ em không được giáo dục bài bản về việc bảo vệ thiên nhiên và cây cỏ hoa lá không được nhấn mạnh là điều đáng được quan tâm.

Những vụ phá rừng lấy đất, khai thác bừa bãi tài nguyên đất và rừng mà không có biện pháp hữu hiệu bảo vệ cây xanh tại nhiều nơi, vụ chặt cây ồ ạt hay việc lén lút bóc vỏ hại cây vừa qua tại Hà Nội... tất cả cho thấy một thái độ ứng xử quá bất công của người với thiên nhiên, với rừng và cây.

Việc chặt cây vì sâu mọt, vì quy hoạch đô thị, vì phát triển khu kinh tế là cần thiết ở bất kỳ quốc gia nào. Nhưng có là đương nhiên không khi tiến hành tất cả những việc đó mà chưa xem xét thấu đáo mọi khía cạnh, nhất là những khía cạnh mang tính bền vững liên quan tới môi trường, đời sống con người cũng như đời sống cây xanh?

Cây cũng như người! Xin được trích dẫn một câu của Tổ chức Hòa bình xanh: “Chỉ khi nào cây xanh cuối cùng khô héo, dòng sông cuối cùng bị đầu độc, con cá cuối cùng cũng ra đi, bạn sẽ nhận ra rằng: tiền không ăn được!”.

Họa sĩ TRẦN THÙY LINH (TTO)

Lượt xem: 1568

Các tin khác

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

Thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

(22/03/2024 07:08:AM)

Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

(17/03/2024 06:53:AM)

Thúc đẩy chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước tại Việt Nam

(10/03/2024 07:49:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE