THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG
Cận cảnh đoạn sông Tô Lịch sau 3 ngày dùng công nghệ Nhật
Thứ Hai, 20/05/2019 | 09:20:00 PM
Viện Công nghệ môi trường lấy mẫu nước sông Tô Lịch sau 3 ngày áp dụng công nghệ Nano – Bioreactor của Nhật Bản, đối chiếu với nước sông ở những đoạn không được áp dụng công nghệ này. Kết quả cho thấy bước đầu tình trạng ô nhiễm của nước sông đã có chuyển biến tích cực.
Video: Cận cảnh đoạn sông Tô Lịch sau 3 ngày dùng công nghệ Nhật
Sáng 20/5, cán bộ của Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) đã lấy mẫu nước ở 3 điểm tại khu vực lắp đặt thí điểm công nghệ Nano – Bioreactor của Nhật Bản để phân tích, đồng thời tiến hành test nhanh chỉ số PH và TU.
Kiểm nghiệm nước sông Tô Lịch sau 3 ngày dùng công nghệ Nhật Bản
Anh Lê Minh Đức, cán bộ Viện Công nghệ Môi trường, cho biết: “Chúng tôi lấy mẫu giám định trên sông Tô Lịch và hồ Tây, đối chiếu với mẫu nước trước khi lắp đặt công nghệ Nano - Bioreactor. Qua thực tế và kết quả test nhanh các chỉ số, tình trạng ô nhiễm đã có chuyển biến tích cực”.
Các kết quả xét nghiệm chuyên sâu được thực hiện trong phòng thí nghiệm và sẽ có kết quả sau 1 tuần. Kết quả test nhanh cho thấy chỉ số kiềm và oxy hòa tan ở khu vực thử nghiệm có chuyển biến tích cực, theo cảm quan nước sông đã bớt mùi.
Công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản có nhiều ưu điểm vượt trội so với các công nghệ hiện nay ở Việt Nam.
Thực tế, theo một số người dân sống quanh khu vực đoạn sông Tô Lịch đang được thử nghiệm hệ thống xử lý ô nhiễm, mùi hôi đã giảm đáng kể dù thời tiết đang trong những ngày nắng nóng.
Công nghệ Nano – Bioreactor tạo ra oxy từ nước, vật liệu thiên nhiên bio… giúp kích hoạt các vi sinh vật, cuối cùng là các vi sinh vật này tạo ra enzim điện ly lực phân tử nước, giải phóng oxy vô tận trong nước.
“Trời nắng nóng vậy mà đứng ở ven sông cũng không ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc như trước nữa, người dân ở đây cũng đỡ khổ hơn rồi”, anh Nguyễn Trọng Tài, sinh sống ven sông Tô Lịch, chia sẻ.
Là người bán trà đá thường xuyên ngồi cả ngày bên sông Tô Lịch, bà Đặng Thị Ân nhận xét: “Trước đây khi trời nắng, cả đoạn sông bốc mùi xú uế nồng nặc. Mấy hôm nay ra đứng ở ven sông thì thấy đỡ mùi hơn nhiều rồi”.
Thỉnh thoảng lại người dân tò mò ra ven sông để tận mắt xem hệ thống lọc nước Nhật Bản này.
Hệ thống vận hành gồm những chiếc máy bơm cao áp tạo ra bọt khí nano siêu nhỏ, sục vào nước và bùn đất giúp cải thiện môi trường, kích thích sự phát triển của các vi sinh vật có lợi. Cùng với đó, hàng chục hộp bột đá núi lửa được đặt xuống lòng sông để hấp thụ các chất độc hại gây ô nhiễm.
Đỗ Quân
(Dân Trí)
Lượt xem: 1718
Các tin khác
“Rừng xanh lên” - Hành trình gìn giữ thiên nhiên, vun đắp tương lai (19/05/2025 07:27:AM)
Khảo sát hiện trạng quần thể Voọc mũi hếch tại Tuyên Quang (18/05/2025 06:11:AM)
Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Chìa khóa phát triển đại dương bền vững (17/05/2025 07:33:AM)
Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025: Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững (16/05/2025 08:27:AM)
Bộ VHTTDL đẩy mạnh tuyên truyền hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới năm 2025 (13/05/2025 05:38:AM)
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2025: Công nghệ xanh để đại dương bền vững (09/05/2025 06:28:AM)
Nam Định triển khai quy hoạch quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển (07/05/2025 06:22:AM)
Làng nghề với bài toán “chuyển đổi xanh” (05/05/2025 07:10:AM)
Phát hiện rừng chè cổ hàng trăm tuổi trên đỉnh Tà Đùng (03/05/2025 07:57:AM)