quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Cát Tiên – 3. Vũ điệu Bảo tồn

Thứ Hai, 22/08/2011 | 08:56:00 PM

VQG Cát Tiên vừa gia nhập vào Khu bảo tồn sinh quyển Đồng Nai năm nay. Theo bộ tiêu chí đánh giá tác động của hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên Đa dạng sinh học đến bảo tồn thì VQG này đứng ở vị trí chịu tác động tiêu cực cao nhất.


Nguyễn Đình Hòe - VACNE

Bàu Sấu - Nam Cát Tiên, vùng bảo tồn đất ngập nước
của VQG Cát Tiên
1.Sự gia tăng sức ép lên các khu BTTN
Theo báo cáo của 26 Vườn quốc gia Việt Nam, trong năm 2010, đã phát hiện và xử lý gần 2.000 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng (chiếm 6,3% tổng số vụ vi phạm trong cả nước) tăng 9,6% so với năm 2009. Trong đó có 1.000 vụ vi phạm xảy ra tại Vườn quốc gia Cát Tiên và Yok Don. Riêng các vụ việc vi phạm lâm luật phải kể đến tình hình mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trong năm 2010 đã lên tới 17.000 vụ, tăng 30% so với năm trước (7).
Tuy nhiên những vấn đề về sức ép do khai thác tài nguyên đa dạng sinh học và sự suy thoái của chúng hầu như không thấy xuất hiện trong báo cáo của ban quản lí các Khu BTTN. Áp dụng các nguyên tắc của PRA (Participatory Rapid Appraisal – Đánh giá nhanh có sự tham gia) có thể xây dựng bộ tiêu chí đánh giá ảnh hưởng của khai thác, sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học trong các khu BTTN và các hệ sinh thái giàu đa dạng sinh học bên ngoài các khu bảo tồn. Tài nguyên Đa dạng sinh học không chỉ là tài nguyên sinh học mà còn các tài nguyên khác liên quan như tài nguyên hệ sinh thái (cảnh quan), tài nguyên đất đai trong các khu BTTN.
2. Những dạng khai thác tài nguyên đa dạng sinh học hiện nay
(i). Khai thác tài nguyên sinh học gồm: động vật như thú, chim, côn trùng và các động vật khác, gỗ và phi gỗ (như cây thuốc, cây không thuộc loại thân gỗ), phục vụ cho các mục tiêu khác nhau như thực phẩm, dược liệu, vật liệu xây dựng, cây cảnh,…Đa phần kiểu khai thác này là phạm các quy định pháp luật về Rừng đặc dụng.
(ii) Khai thác tài nguyên sinh thái và cảnh quan : du lịch sinh thái và du lịch xanh. Du lịch sinh thái là loại hình du lịch “Thực hiện trong vùng sinh thái tự nhiên còn hoang sơ, nguồn thu chủ yếu đóng góp cho bảo tồn và sinh kế của cộng đồng địa phương” (Hội Du lịch sinh thái Hoa Kỳ). Đây là loại hình du lịch “không lấy đi cái gì trừ tấm ảnh, không để lại cái gì trừ vết chân” (Nguyễn Đình Hòe và Vũ Văn hiếu, 2002 (3 ) .
Du lịch xanh là loại hình du lịch nghỉ dưỡng hay tham quan tại các khu BTTN không tuân thủ chặt chẽ các tiêu chí về du lịch sinh thái (có đường cơ giới vận chuyển khách, có các hình thức lửa trại, các khu nghỉ dưỡng,…). Du lịch xanh có thể là biến tướng khác nhau của du lịch sinh thái, nhưng vì đem lại “tiền tươi” hơn du lịch sinh thái nên trên thực tế vẫn xảy ra tại các khu BTTN.
(iii). Chuyển đổi mục đích sử dụng đất vùng lõi khu BTTN sang khu dân cư, khu hành chính, khu nông trại hay nương rẫy, chuyển diện tích vùng bảo tồn nghiêm ngặt sang vùng phục hồi sinh thái, ngập nước do hồ thủy lợi thủy điện, xây dựng các resort trong vùng lõi, xây dựng đường giao thông cơ giới dân sinh,…
3. Phương pháp
Bộ tiêu chí phải gồm những đặc điểm đặc trưng theo nguyên tắc phản ảnh “phần nổi của tảng băng trôi”, bao gồm các tiêu chí phản ánh tác động của hoạt động khai thác sử dụng. Tài liệu dùng cho việc xây dựng bộ tiêu chí dựa trên phương pháp Đánh giá nhanh có sự tham gia (PRA), là phương pháp phù hợp nhất đối với các nước đang phát triển, nơi mà nguồn cơ sở dữ liệu không đầy đủ, phân tán và khó thu thập, không có kinh phí để nghiên cứu sâu và quỹ thời gian dành cho công việc không nhiều (1,4,5,6) . Cốt lõi của PRA trong trường hợp này là:
a.Thu thập và phân tích số liệu thứ cấp được lưu trữ và tại địa phương, tài liệu của các trang web của các cơ quan TƯ và địa phương, báo chí; phân tích tư liệu viễn thám, trong đó ưu tiên sử dụng ảnh vệ tinh có độ phân giải cao và miễn phí Google Earth.
b.Khảo sát thực địa tập trung vào phát hiện và giải mã các dấu hiệu môi trường đặc trưng;
c.Tham vấn chuyên gia, cán bộ và nhân dân địa phương bằng phỏng vấn bán chính thúc và không chính thức;
Năm 1998, Dirk và cùng tác giả dưới sự bảo trợ của UNEP (2) đã xây dựng một khung logic theo phương pháp ma trận kiểm kê môi trường để đánh giá độ nhạy cảm của các rạn san hô. Nhờ tính giản dị, rẻ, nhanh, và đáp ứng tốt các mục tiêu đánh giá nên khung logic này được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Áp dụng nguyên tắc của khung logic này, tác giả xây dựng khung logic cho mục tiêu đánh giá  các tác động của khai thác và sử dụng tài nguyên sinh học tại các khu Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) cũng như tại các hệ sinh thái tự nhiên bên ngoài khu bảo tồn.
4. Bộ tiêu chí
 
TT
Tiêu chí đánh giá
Mức độ tác động tiêu cực trung bình
Mức độ tác động tiêu cực cao
1
Khai thác động vật nói chung
Tất cả các kiểu khai thác các loài không thuộc diện quý hiếm trong vùng đệm
1.1.Tất cả các kiểu khai thác trong vùng lõi
1.2.Tất cả các kiểu khai thác các loài thuộc diện quý hiếm trong và ngoài vùng đệm
2
Khai thác gỗ
Tận thu cây chết
Tất cả các kiểu khai thác trong vùng lõi
3
Khai thác lậu các sản phẩm thực vật phi gỗ
Khai thác nhỏ, lẻ, hiếm gặp
Khai thác thường xuyên
4
Hoạt động du lịch tại Khu BTTN
Du lịch sinh thái
Bất cứ loại hình du lịch nào khác
5
Thị trường tiêu thụ lâm sản lậu
Phát hiện lẻ tẻ với quy mô nhỏ trong vùng đệm
Phát hiện thường xuyên trong/ngoài vùng đệm hoặc cả hai
6
Chuyển đổi mục tiêu sử dụng đất
6.1.Mở rộng khu hành chính;
6.2.Diện tích bảo tồn nghiêm ngặt phải chuyển sang phục hồi sinh thái
Chuyển diện tích vùng lõi sang khu dân cư, trang trại, nương rẫy, resort, hồ thủy điện thủy lợi, đường giao thông cơ giới hay bất cứ mục đích khác
 
Tiêu chuẩn đánh giá: một khu rừng đặc dụng hay BTTN là
·        Chịu tác động tiêu cực rất cao nếu có từ 4 tiêu chí mức độ cao trở lên
·        Chịu tác động tiêu cực cao nếu có từ 1 đến 3 tiêu chí thuộc mức độ cao;
·        Chịu tác động tiêu cực trung bình nếu có 2 tiêu chí thuộc mức độ trung bình trở lên và không có tiêu chí mức độ cao nào;
·        Chịu tác động tiêu cực thấp nếu chỉ có 1 tiêu chí thuộc diện trung bình
5. Nghiên cứu trường hợp: VQG Cát Tiên
VQG Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm gối trên đất 3 tỉnh. Trong tổng diện tích trên 71 ngàn ha, khoảng 30 ngàn ha thuộc về Cát Lộc hay Bắc Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), phần diện tích trên 36 ngàn ha còn lại thuộc Nam Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai) và chỉ khoảng trên 5000 ha là thuộc Tây Cát Tiên (huyện Bù Đăng, Bình Phước). 
Năm 2002, chỉ từ đầu mùa lũ tháng 9 đến tháng 11, lực lượng kiểm lâm VQG Cát Tiên đã bắt được 47 vụ săn thú dùng súng tự chế, phát hiện và thu giữ hàng trăm dụng cụ cài bẫy (bẫy không chủ) cùng hàng chục khẩu súng. Đối tượng “đã nhanh chân tẩu thoát”. Trong 2 tháng đầu năm 2011, công an và kiểm lâm huyện Tân Phú - Đồng Nai đã kiểm tra hàng chục cơ sở mộc, điểm kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn, lập biên bản thu giữ 88,75m3 gỗ các loại và xử phạt 62 triệu đồng, tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 13 đối tượng "lâm tặc" nhiều lần lẻn vào VQG Cát Tiên đốn hạ nhiều cây gỗ quý, trong đó có 2 cây gõ đỏ có khối lượng gần 16m3, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên mỗi năm phát hiện hàng trăm vụ săn bắt thú rừng trái phép với 150 – 170 đối tượng vi phạm; thu giữ nhiều bẫy thú, bộ xung điện, xuồng ba lá…; đặc biệt, năm 2007 phát hiện, chuyển giao cho cơ quan chức năng các huyện Tân Phú (Đồng Nai), Bù Đăng (Bình Phước), và Cát Tiên (Lâm Đồng) hàng chục khẩu súng các loại. Từ đầu năm 2008 đến nay, đơn vị này đã thu giữ trên 10 khẩu súng tự chế. Có trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng lại tái phạm. Nhiều nhân viên kiểm lâm tại Cát Tiên không ít lần bắt gặp thợ săn trang bị súng đang mai phục bò tót. Chỉ trong vòng ba năm từ 2006-2009, có 10 bộ xương bò tót được phát hiện, phần nhiều là do dính bẫy. Trên 20.000 bẫy thú được phát hiện và thu giữ mỗi năm. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp của vườn bị người dân lấn chiếm làm rẫy hiện tại lên đến 500ha . Tháng 3 vừa qua, chỉ trong hai ngày truy quét đột xuất tại xã Đắc Lua (Tân Phú, Đồng Nai), cơ quan chức năng phát hiện, tịch thu hơn 280 kg thú và thịt thú rừng. Tại các xã vùng đệm của VQG thuộc các huyện Cát Tiên và Đạ Tẻh (Lâm Đồng), Hạt Kiểm Lâm cũng phát hiện mười mấy tụ điểm buôn bán động vật hoang dã trái phép nhiều năm (9,10) .
Tháng 5 năm 2010, con tê giác 1 sừng ở Cát Lộc đã bị bắn chết và cưa mất sừng. Từ tháng 11-2010 dấu vết tê giác thưa dần và đặc biệt từ tháng 4-2011 (thời điểm phát hiện bộ xương tê giác) đến nay thì không còn thấy dấu vết tê giác nữa . Vì vậy đã có ý kiến cho rằng hiện nay khu Cát Lộc không còn con tê giác nào (10) .

Tê giác 1 sừng (Rhinoceros sondaicus) còn gọi là tê giác Java, ở khu Cát Lộc thuộc VQG Cát Tiên. Năm 2010 nó đã bị lâm tặc bắn trộm và bị cưa mất sừng. Bây giờ Cát Lộc không còn (?) thấy bóng tê giác.
Bộ NN&PTNT vừa có quyết định phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn và Phát triển bền vững VQG Cát Tiên giai đoạn 2010-2020. Theo đó, trong tống số 71.350 ha thì diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt đã giảm gần 15.000ha so với năm 1998 là năm thành lập Vườn; phân khu dịch vụ hành chính tăng từ 100ha năm 1998 lên 2.325ha (tăng thêm 2.225 ha) (8).
TT
Tiêu chí đánh giá
Mức độ tác động tiêu cực trung bình
Mức độ tác động tiêu cực cao
1
Khai thác động vật nói chung
Tất cả các kiểu khai thác các loài khôngthuộc diện quý hiếm trong vùng đệm
1.1.Tất cả các kiểu khai thác trong vùng lõi
Bò tót bị săn bắt hàng loạt, tê giác 1 sừng có lẽ bị hủy diệt, mỗi năm thu giữ 20.000 – 30.000 bẫy thú
1.2.Tất cả các kiểu khai thác các loài thuộc diện quý hiếm trong và ngoài vùng đệm
2
Khai thác gỗ
Tận thu cây chết
Tất cả các kiểu khai thác trong vùng lõi:
Khai thác gỗ lậu chưa thể kiểm soát, kể cả gỗ quý
3
Khai thác lậu các sản phẩm thực vật phi gỗ
Khai thác nhỏ, lẻ, hiếm gặp
Khai thác thường xuyên:
Khai thác thường xuyên măng tre và các sản phẩm phi gỗ khác
4
Hoạt động du lịch tại Khu BTTN
Du lịch sinh thái
Bất cứ loại hình du lịch nào khác:
Thực hiện tour du lịch bằng xe cơ giới và xuồng máy trong vùng bảo tồn nghiêm ngặt; tổ chức “safari night” (tham quan vườn thú ban đêm) bằng xe mui trần trang bị bằng đèn bình pha sáng cả góc rừng.
5
Thị trường tiêu thụ lâm sản lậu
Phát hiện lẻ tẻ với quy mô nhỏ trong vùng đệm
Phát hiện thường xuyên trong/ngoài vùng đệm hoặc cả hai:
Phát hiện thường xuyên với quy mô lớn khó kiểm soát ngay trong vùng đệm
6
Chuyển đổi mục tiêu sử dụng đất
6.1.Mở rộng khu hành chính:
Mở rộng khu hành chính từ 100 ha lên 2235 ha
6.2.Diện tích bảo tồn nghiêm ngặt phải chuyển sang phục hồi sinh thái
Chuyển diện tích vùng lõi sang khu dân cư, trang trại, nương rẫy, resort, hồ thủy điện thủy lợi, đường giao thông cơ giới hay bất cứ mục đích khác:
Phải chuyển 15000 ha từ vùng bảo tồn nghiêm ngặt sang vùng phục hồi sinh thái; chuyển 2225 ha từ vùng lõi sang phân khu hành chính, xuất hiện 500 ha nương rẫy trong vùng lõi
 
Tài liệu để đánh giá: Các tài liệu tham khảo (8,9,10,11,12) , năm 2011
Theo ma trận kiểm kê trên, VQG Cát Tiên có 6 tiêu chí thuộc diện bị tác động cao, do đó vườn thuộc loại VQG chịu tác động rất cao từ hoạt động khai thá sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học. Công tác bảo tồn Đa dạng sinh học tại VQG Cát Tiên như đang ‘khiêu vũ giữa bầy sói”.
Thảo luận.
• Đây là bộ tiêu chí dùng cho đánh giá nhanh tác động của việc khai thác và sử dụng tài nguyên Đa dạng sinh học đến khu Bảo tồn thiên nhiên trên đất liền (rừng đặc dụng). Việc đánh giá chi tiết chỉ có thể dựa trên phân tích sâu từng khu BTTN, đòi hỏi thời gian, kinh phí và nhiều nguồn lực khác không phải khi nào cũng được đáp ứng;
• VQG Cát Tiên – nghiên cứu trường hợp để minh họa cho bộ tiêu chí - là điểm chịu tác động tiêu cực rất cao: 6/6 tiêu chí đều thuộc diện cao.
• Một số thông tin dùng cho đánh giá được thu thập trên báo hay trang web nên cần kiểm chứng, tuy nhiên điều đó là có thể chấp nhận trong phạm vi độ chính xác cho phép thông qua phương pháp “xử lí thông tin nhiễu “ của PRA;
• Có thể và cần áp dụng bộ tiêu chí này để đánh giá nhanh tất cả các khu BTTN trên đất liền (rừng đặc dụng) và các hệ sinh thái tự nhiên bên ngoài các khu bảo tồn rừng của Việt nam với chi phí rẻ và thời gian ngắn, phục vụ kịp thời cho công tác đầu tư, quản lí và quy hoạch, cũng như nhìn nhận chính xác hơn hiệu quả của công tác quản lí bảo tồn.
Chú thích tài liệu
1.   Asia Forest Network. Participatory Rural Appraisal for community forest management., Tools and techniques. 2002SUTHERLAND, A. (1998) Participatory research in natural resources.Socio-economic. Methodologies. Best Practice Guidelines. Chatham, UK: Natural Resources Institute.
 
2.   Dirk B, et al. Reef at risk, A Map-Based Indicator of Threats to the World's Coral Reefs. World Resources Institute (WRI), International Center for Living Aquatic Resources Management (ICLARM), World Conservation Monitoring Centre (WCMC), United Nations Environment Programme (UNEP),UNEP. 1998.
3.   Nguyễn Đình Hòe và Vũ Văn Hiếu. Du lịch sinh thái. Trong sách “Du lịch bền vững”. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002
4.   Suterland,A.Participatory research in natural resources.Socio-economic Methodologies. Best Practice Guidelines. Chatham, UK: Natural Resources Institute. 1998
5.   USAID. Rapid Appraisal and beyond. Participatory Forum. No1, 1995
6.   VIE 004 03 01 Giới thiệu phương pháp đánh giá nhanh có sự tham gia PRA, 2008
7.   Tăng cường bảo vệ rừng tại các Vườn quốc gia. http://www.thiennhien.net/2011/03/02/tang-cuong
-bao-ve-rung-tai-cac-vuon-quoc-gia/
10. Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A dưới góc nhìn của các nhà khoa học .2001. http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/157121/print/Default.aspx
12. Ai tiếp tay lâm tặc phá Vườn quốc gia Cát Tiên?2011. http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201108/ai-tiep-tay-lam-tac-pha-Vuon-quoc-gia-Cat-Tien-2089419/
 
 
 
 
 

Lượt xem: 2387

Các tin khác

Tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định

(07/05/2024 06:52:AM)

Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhự

(25/04/2024 07:01:AM)

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE