quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THƯ GIÃN

Câu chuyện khoa học: 'Loa phường' xứ ta, xa lộ xứ người

Thứ Năm, 05/11/2009 | 06:21:00 AM

- Chừng nào tiếng loa phường còn ra rả ngày đêm, chừng nào những bức tường chống ồn chưa xuất hiện, sẽ chưa có sự chuyển biến thực sự trong nhận thức, trong ứng xử đúng mức với những tác hại của ô nhiễm môi trường tiếng ồn...



Chuyện chiếc loa phường ở ta, ngay giữa thủ đô Hà Nội, rôm rả trên báo chí trong những ngày gần đây, bỗng đeo đẳng người viết bài này trong chuyến hành trình xa. Không chỉ gợi nhớ một thời “gian lao mà anh dũng”, còn day dứt về một điều rộng hơn của hiện tại, chuyện ứng xử với ô nhiễm môi trường của thời “a còng”. 

Những bức tường chống ồn xa lộ 

Cùng lúc chiếc loa phường đang là nạn nhân của cuộc mổ xẻ, tôi có dịp đi lại trên những tuyến đường Tây Âu, những xa lộ, cao tốc liên tỉnh, liên quốc gia với một chiếc xe nhỏ. Và thực sự ấn tượng với những bức tường chống ồn dọc những con đường ấy. 

Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh. Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Những bức tường giảm âm đa phong cách từ gạch, kính, bê tông, đá, đất, gỗ v.v…Tạo dáng bắt mắt như công trình mỹ thuật, hình vẽ ngộ nghĩnh trên bức tường kính trong, thảm hoa dây leo đỏ rực bám vào tường gạch dài hàng cây số… ở Pháp, Hà Lan, Đức, Bỉ... Ảnh: TTM

Cứ chạy qua mỗi một chung cư ở ngoại ô Paris hay Frankfurt, một “làng” nằm giữa cánh đồng cỏ mênh mông dọc những con đường dẫn đến Bruxelles, Amsterdam hay Bonn…, tôi lại ngắm nhìn hoặc chụp ảnh những bức tường giảm âm, phương tiện giảm tác hại tiếng ồn xe cộ qua lại đến sức khỏe những người sống ở ven đường (Bảng 1). 

Các tác hại của ô nhiễm môi trường tiếng ồn 

1. Ảnh hưởng tai, nếu tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn, có thể dẫn đến khả năng nghe, phân biệt âm thanh. Nếu nặng, rách màng nhĩ. 

2. Rối loạn giấc ngủ (từ 35 dBA). 

3. Tăng rủi ro nhồi máu cơ tim (chịu liên tục 70 dBA) 

4. Rối loạn cơ quan nội tiết. 

5. Ảnh hưởng học tập trẻ em

Những bức tường cao 2,5-3 mét, dài vài trăm mét cho đến vài kilomet. Vật liệu đủ loại, những gạch, kính, bê tông, đá, đất, gỗ v.v…Tạo dáng bắt mắt như công trình mỹ thuật, hình vẽ ngộ nghĩnh trên bức tường kính trong, thảm hoa dây leo đỏ rực bám vào tường gạch dài hàng cây số… 

Đâu đâu, không xa lộ, cao tốc nào tôi đi qua lại thiếu vắng những bức tường chống ồn như vậy. Tôi biết chắc rằng, tình hình cũng tương tự ở các nước phát triển khác như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc v.v…. Trên các trang website có thể tìm thấy những trang giới thiệu hình dáng thiết kế những loại tường ở các nẻo đường nước Mỹ từ thập niên 80 của thế kỷ trước. 

Tiêu chuẩn ô nhiễm tiếng ồn đã được đưa vào luật pháp ở nhiều quốc gia hàng chục năm nay. Người dân hiểu rõ điều đó, họ biết đòi hỏi nhà cầm quyền phải thực thi và yêu cầu pháp luật bảo vệ. Trước khi xây dựng một xa lộ đi qua, dân cư vùng lân cận phải được xem xét dự án chống ồn, họ không chấp nhận thì con đường không thể xây được. Chính một dự án xây đường tàu điện chạy ven thành phố Darmstadt, bên cạnh khu nhà tôi đang ở, đã phải hủy vì thiết kế tổng thể của nhà đầu tư không đáp ứng nguyện vọng hợp lý của dân chúng. 

Xa lộ ở ta, bao giờ? 

Đó là điều băn khoăn, có lẽ, của không ít người. Cho đến tháng 9 vừa rồi, khi đi trên đường cao tốc ra sân bay Nội Bài, tôi vẫn không thấy đâu một đoạn tường chống ồn như ở xứ người. Ở những địa phưong khác, Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng thế. 

Không phải nước ta chưa có luật lệ! Tiêu chuẩn quốc gia về tiếng ồn (xem bảng 2) đã có từ hơn 10 năm trước. Theo tiêu chuẩn đó, các xa lộ đi qua khu dân cư bình thường không được vượt quá 60 dBA vào ban ngày và 50 – 55 dBA vào ban đêm. 

      Bảng 2: Tiêu chuẩn tiếng ồn TCVN 5949 - 1998 

                                                                  Thời gian
                                                      6h-18h   18h-22h  
22h-6h 

1. Khu vực đặc biệt yên tĩnh           50dBA    45           40 

2. Khu dân cư/khách sạn/cơquan   60           55           50 

3. Khu dân cư xen kẽ khu kinh tế    75           70           50


Cũng chẳng phải vì môi trường tiếng ồn ở nước ta không có vấn đề gì! Nhiều nhóm khảo sát môi trường đã đưa ra những thông số (Số liệu của Cục BVMT.2007) đến mức đáng báo động. Ở Hà Nội, mức độ tiếng ồn ở một vài đoạn đường đi qua khu vực dân cư đông đúc như sau: 80 dBA (khu Sài Đồng, Quốc lộ 5), 77 dBA (Giáp Bát, QL 1). Ở TP. Hồ Chí Minh: 78 dBA (đoạn vòng xoáy Phú Lâm, đường 3/2) và 82-85 dBA (Ngã tư Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng). 

Rõ ràng, mức ô nhiễm tiếng ồn nói trên là rất cao, vượt quá nhiều so với mức giới hạn Tiêu chuẩn Quốc gia. Số liệu khảo sát cũng cho thấy mức tiếng ồn cao ở các tuyến giao thông thuộc các địa phương khác. Cùng với đà phát triển đất nước, tình trạng đó ngày càng nghiêm trọng. 

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Những bức tường giảm âm trên xa lộ. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, những biện pháp hạn chế nguồn gây ồn, kiểm soát các phương tiện giao thông ở nước ta quá lỏng lẻo. Các lệnh cấm dùng còi to, giờ và đoạn đường cấm bóp còi, cấm lưu hành xe quá thời hạn sử dụng, không được chấp hành nghiêm túc, chưa tạo nên một nếp sống văn hóa giao thông trong dân chúng. 

Điểm yếu khác nữa là tác hại do môi trường tiếng ồn cũng chưa được nhận thức sâu rộng trong cộng đồng. Phải chăng, đó cũng là một trong những lý do để các nhà quản lý chưa quan tâm đúng mức và người dân chưa có tiếng nói mạnh mẽ đòi được đáp ứng một trong những tiêu chuẩn môi trường sống của mình. 

Chừng nào tiếng loa phường còn ra rả ngày đêm, chừng nào những bức tường chống ồn chưa xuất hiện, sẽ chưa có chuyển biến thực sự trong nhận thức, chưa ứng xử đúng mức với những tác hại của ô nhiễm môi trường tiếng ồn… và với cả những tác hại từ các dạng ô nhiễm môi trường khác đang đe dọa mọi người. 

Kết luận 

Một dân tộc càng văn minh, các yêu cầu về chất lượng sống càng cao và số tiêu chuẩn môi trường sống càng mở rộng.

Bắt đầu từ những tiêu chuẩn thiết thân như độ sạch của khí thở, nước uống, tiếp theo là an toàn vệ sinh lương thực thực phẩm. Cao hơn là những tiêu chuẩn có ảnh hưởng lâu dài đến con người như liều chiếu xạ tự nhiên, hàm lượng khí độc hại Radon trong nhà ở v.v… Môi trường tiếng ồn đối với dân cư cũng đã nằm trong danh sách này.

Đất nước muốn nhanh chóng trở thành quốc gia phát triển, dân tộc muốn sớm được xem là văn minh, không thể không triệt để thực thi Bộ Luật Bảo vệ Môi trường được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005, nhanh chóng biến những trang giấy “trong tủ kính” thành hành động trong đời sống, thành văn hóa sống của cả cộng đồng. 

  • Trần Thanh Minh

    (Vietnam Net, 4/11/2009)

Lượt xem: 1677

Các tin khác

Thung thăng miền xanh đại ngàn

(12/02/2024 04:22:AM)

Rừng ngập mặn đẹp như mơ ở Bàu Cá Cái Quảng Ngãi

(16/01/2024 07:26:AM)

Mùa cây trút lá tuyệt đẹp ở miền Tây Quảng Trị

(15/01/2024 09:48:AM)

Về An Giang ngắm mùa vàng bất tận trên cánh đồng Tà Pạ

(11/12/2023 11:49:AM)

Những câu nói nổi tiếng về thiên nhiên

(16/03/2023 07:51:AM)

Độc đáo "cây đa ngơ ngác" gần 1.000 năm tuổi trên bán đảo Sơn Trà

(29/10/2022 03:19:PM)

Tiên Yên (Quảng Ninh) – bức tranh thiên nhiên hài hòa và đầy cuốn hút

(05/05/2022 10:34:PM)

Hà Nội đẹp tinh khôi trong sắc trắng hoa sưa

(20/03/2022 07:39:AM)

Rừng Tây Bắc bừng sáng mùa hoa Sơn Tra

(10/03/2022 07:48:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE