quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Điểm tin môi trường: Sáng lập Liên minh tái chế bao bì vì một Việt Nam tốt đẹp hơn

Thứ Bảy, 13/07/2019 | 11:12:00 AM

Một số doanh nghiệp lớn ở lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì vừa cùng nhau sáng lập "Liên minh tái chế bao bì Việt Nam" (PRO Vietnam) để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu “vì một Việt Nam tốt đẹp hơn”.

 Theo số liệu được các tổ chức quốc tế công bố, Việt Nam là một trong số các nước có lượng rác thải nhựa ra đại dương lớn. Lượng rác thải rắn đô thị ở Việt Nam được dự báo tăng 38% từ mức 11,6 triệu tấn năm 2016 lên 15,9 triệu tấn năm 2030. Trong đó, rác thải từ bao bì sử dụng một lần như chai nhựa, ống hút, vỏ hộp sữa… tăng nhanh, đã, đang và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, môi trường sống và đến sự phát triển bền vững của quốc gia khi không được xử lý tốt.


Việc thành lập "Liên minh tái chế bao bì Việt Nam" (PRO Việt Nam) với 9 doanh nghiệp sáng lập, là sáng kiến để cụ thể hóa đóng góp của khối doanh nghiệp cho mục tiêu trên. Để vận hành PRO Vietnam, các thành viên sáng lập đóng góp ý tưởng và chia đều nghĩa vụ tài chính để tạo nguồn lực thực hiện. Mô hình này, được đánh giá là có thể vận dụng được sức mạnh trí tuệ tập thể bởi mỗi doanh nghiệp thành viên sáng lập ở thời điểm hiện tại đều đang thực hiện những chương trình bảo vệ môi trường cũng như có chiến lược 
phát triển bền vững riêng. Ví dụ, tại Coca-Cola, cam kết của nhà sản xuất này là giảm tỷ lệ sử dụng nước từ 1,8 lít xuống còn 1,68 lít nước/lít nước giải khát, giảm tỷ lệ sử dụng năng lượng từ 0,44MJ xuống 0,4MJ trên mỗi lít nước giải khát thành phẩm; đạt mức tái chế 10% chai nhựa ở sản phẩm nước uống Dasani trong giai đoạn 2018-2019 và tiến tới thu nhập, tái chế 100% bao bì mà Coca-Cola bán ra vào 2030. Đi cùng với mục tiêu là hàng loạt giải pháp, dự án đã và đang thực hiện ở Việt Nam như khuyến khích sáng tạo để nâng cao ý thức về tái chế, thực hiện giáo dục tại địa phương,…

Bão đôi có thể ảnh hưởng đến Việt Nam

Báo Thanhnien đưa tin: Trong tuần sau, trên khu vực tây Thái Bình Dương có khả năng xuất hiện 
bão đôi, một cơn sẽ hình thành ở phía đông Philippines và mạnh lên từ ngày 16/7, có khả năng vượt qua bắc đảo Luzon và bắc Biển Đông đêm 18/7, di chuyển về phía Quảng Đông (Trung Quốc), sau đó có thể ảnh hưởng đến khu vực đông bắc nước ta trong những ngày cuối tuần sau.

Cơn bão (hoặc áp thấp nhiệt đới) thứ hai sẽ mạnh lên từ ngày 19/7, di chuyển về phía vùng biển Đài Loan, Nhật Bản. Do tác động của cơn bão trên bắc Biển Đông sẽ làm cho gió mùa tây nam mạnh dần lên, đợt gió mạnh có thể kéo dài qua tuần tiếp theo, tàu thuyền chú ý đề phòng mưa giông trong điều kiện sóng to gió lớn, biển động.

Bắc Ninh thí điểm đề án phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình

Báo Quandoinhandan đưa tin: Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt và chỉ đạo triển khai việc thí điểm đề án phân loại, xử lý
 rác thải hữu cơ tại hộ gia đình ở 4 thôn: Hoài Thượng, Chè (xã Liên Bão, huyện Tiên Du); Kim Thoa và Ngọc Quan (xã Lâm Thao, huyện Lương Tài). Theo đó, tại những địa phương này, cơ quan chủ trì đề án và các cơ quan phối hợp đã tổ chức việc đăng ký tham gia thực hiện phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình; đồng thời yêu cầu các hộ gia đình tham gia cam kết thực hiện đúng các quy trình phân loại, thu gom, xử lý rác hữu cơ.

Thời gian thực hiện trong năm 2019, với mục tiêu là giải quyết đồng bộ, cơ bản vấn đề phân loại và xử lý chất tại hộ gia đình nông thôn, giảm lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, tạo điều kiện cho việc thu gom và 
xử lý chất thải rắn vô cơ được thuận lợi. Việc triển khai thí điểm này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm khoảng 90% mùi hôi và 50% lượng chất thải rắn tại các bãi rác thải tập trung sau thu gom. Cùng với đó còn tạo ra sản phẩm hữu cơ sạch tại chỗ để chăm sóc cây trồng ở nông thôn. Quan trọng hơn là từ mô hình này, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn tỉnh, trên cơ sở đó tạo môi trường xanh, sạch, đẹp góp phần xây dựng nông thôn mới.

Thành phố đầu tiên châu Âu cam kết tái chế hoàn toàn rác thải

Ljubljana là thủ đô đầu tiên ở châu Âu cam kết không rác thải. Bắt đầu từ 2002, thành phố đặt những thùng thu thập và phân loại giấy, thủy tinh, bao bì bên vệ đường. Bốn năm sau, thành phố bắt đầu thu gom rác thải sinh học tận cửa. Người dân châu Âu tới năm 2023 mới bắt buộc phải phân loại 
rác sinh học, nhưng Ljubljana đã đi trước gần 20 năm. Năm 2013, mọi ngôi nhà trong thành phố đều nhận được thùng rác phân loại bao bì và giấy thải. Người dân cũng buộc phải tự phân loại rác và quy định này đưa tới kết quả ấn tượng. Năm 2008, thành phố tái chế 29,3% rác thải, kém xa so với những nước châu Âu khác. Ngày nay, số rác thải được tái chế chiếm tới 68%, tỷ lệ rác được đưa về bãi chôn lấp giảm 80%, đưa Ljubljana lên vị trí đầu trong bảng xếp hạng các thành phố tái chế rác hiệu quả ở châu Âu.

Thủ đô Solvenia hiện chỉ tạo ra 115 kg rác/đầu người mỗi năm. Nhà máy xử lý chất thải sinh học hiện đại nhất châu Âu ở Ljubljana đi vào hoạt động là bước tiến lớn đáp ứng cam kết tái chế tối thiểu 75% rác thải tới năm 2025. Trung tâm Quản lý Chất thải Khu vực (RCERO) bắt đầu hoạt động năm 2015 và ngày nay, nó phục vụ gần 1/4 đất nước khi sử dụng khí đốt tự nhiên để sản xuất nhiệt và điện, xử lý 95%
chất thải còn lại thành vật liệu tái chế và nhiên liệu rắn, giảm tỷ lệ rác chôn lấp xuống mức chưa đầy 5%. Trung tâm thậm chí còn biến chất thải sinh học thành phân bón chất lượng cao.

Hội đồng nhân quyền thông qua Nghị quyết về Biến đổi khí hậu

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, trong hai ngày 11-12/7, tại Trụ sở Liên hiệp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tiến hành các phiên thảo luận cuối cùng sau 3 tuần làm việc, thông qua 26 Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người do Việt Nam, Philippines và Bangladesh đồng tác giả. Nghị quyết về biến đổi khí hậu năm nay tập trung vào tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền của người khuyết tật.

Nhận định người khuyết tật là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong các tình huống khẩn cấp, đặc biệt khi xảy ra thiên tai hoặc các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, Nghị quyết kêu gọi các quốc gia tăng cường các biện pháp bảo đảm quyền của người khuyết tật trước tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, đặc biệt là đảm bảo sự tham gia của người khuyết tật vào xây dựng và triển khai các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, Nghị quyết tiếp tục kêu gọi đẩy mạnh hợp tác quốc tế về trợ giúp tài chính, chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận với 43 nước đồng bảo trợ tại thời điểm thông qua.
 

Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem: 1108

Các tin khác

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

Thái Bình chọn rừng

(24/03/2024 06:08:AM)

Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 - "Giảm dấu chân Carbon - Hướng tới Net Zero"

(17/03/2024 07:00:AM)

Ngày Nước thế giới 2024 - Nước cho hòa bình

(16/03/2024 07:17:AM)

Ngày Khí tượng thế giới 2024 - Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu

(16/03/2024 07:14:AM)

TP. Hồ Chí Minh: Hướng tới phát triển xanh, bền vững

(15/03/2024 06:14:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(14/03/2024 04:16:AM)

Lâm Đồng: Chuyến tàu ''tăng trưởng xanh'' chuyển bánh

(11/03/2024 05:11:AM)

Giữ lại 12.500 ha Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Thái Bình)

(08/03/2024 06:00:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE