quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Điểm tin môi trường tháng 6

Thứ Tư, 11/07/2018 | 05:51:00 AM

Ứng dụng thông minh hỗ trợ người dân phân loại rác; Tài trợ hơn 200 triệu phát triển năng lượng tái tạo; Tổ chức môi trường xuất sắc nhất Việt Nam năm 2017; 4,1 tỷ USD hỗ trợ giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu; Phát hành tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế; Báo động tình trạng tử vong cao trên thế giới do ô nhiễm không khí; ... là trong số những thông tin sự kiện môi trường nổi bật trong tháng 6/2018.

 VIỆT NAM
 
Ứng dụng thông minh hỗ trợ người dân phân loại rác

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh vừa triển khai ứng dụng hướng dẫn
phân loại chất thải rắn tại nguồn phát triển trên điện thoại thông minh, máy tính bảng. Hiện tại ứng dụng được triển khai với các chức năng cơ bản như tích hợp video hướng dẫn người dân cách thức phân loại rác tại nguồn, hình ảnh và hướng dẫn nhận biết các nhóm chất thải, phản hồi của người dân đến Sở TN&MT.


Theo MONRE, trong thời gian tới ứng dụng sẽ phát triển thêm các tiện ích như bản đồ hướng dẫn người dân vị trí bỏ rác, giá thu gom, các chính sách khác của thành phố để nâng cao nhận thức người dân, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Đây là một trong những giải pháp nằm trong trong chương trình giảm 
ô nhiễm môi trường, phát triển TP.HCM bền vững đang được lãnh đạo thành phố hướng tới. Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, từ nay đến năm 2020, mục tiêu của thành phố đạt 50% người dân nhận thức và phân loại đúng các loại rác thải tại nguồn theo quy định, đến năm 2025 sẽ đạt 80%.

Tài trợ hơn 200 triệu phát triển năng lượng tái tạo

Đó là kết quả được công bố tại Hội thảo Tổng kết Dự án phát triển 
năng lượng tái tạo (REDP) giai đoạn 2009 - 2018 do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ do Bộ Công Thương tổ chức mới đây. Dự án REDP có tổng kinh phí viện trợ ODA tương đương 204,272 triệu USD, trong đó nguồn vốn tài trợ không hoàn lại là 2,272 triệu USD. Mục tiêu của Dự án REDP là nhằm phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) cấp lên lưới điện quốc gia trên cơ sở thương mại, đảm bảo phát triển bền vững.
 
Dự án REDP đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong công tác đầu tư xây dụng các dự án NLTT; Hỗ trợ các Cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện khung chính sách pháp lý về năng lượng tái tạo, tập trung giải quyết một số rào cản đối với huy động nguồn vốn thương mại trong phát triển NLTT; Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực các Trường Đại học chuyên ngành, cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phát triển NLTT. Dự án REDP đã được triển khai đúng tiến độ và hoạt động hiệu quả, mang lại các kết quả tích cực đối với việc phát triển kinh tế, môi trường và xã hội, đặc biệt đối với vùng trực tiếp hưởng lợi từ Dự án. Thông qua tiểu hợp phần tín dụng đầu tư Dự án đã tài trợ cho 19 dự án NLTT với tổng công suất lắp đặt 320,4 MW.

Tổ chức môi trường xuất sắc nhất Việt Nam năm 2017
 
Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là tổ chức phi chính phủ Việt Nam với sứ mệnh xây dựng và huy động các nguồn lực nhằm nâng cao nhận thức, và phát triển năng lực cộng đồng trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, phát triển bền vững, và ứng phó với biến đổi khí hậu. CHANGE cũng là đối tác chính thức của WildAid - tổ chức quốc tế danh tiếng về bảo vệ động vật hoang dã, và của 350.org - phong trào toàn cầu về biến đổi khí hậu hoạt động tại 188 quốc gia.
 
Được chính thức thành lập từ tháng 3/2013 bởi bà Hoàng Thị Minh Hồng - ngườiViệt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực, CHANGE đã có chặng đường phát triển xuyên suốt 5 năm cùng hàng trăm những dự án, hoạt động ý nghĩa tập trung ở 3 mảng Biến đổi khí hậu, Động vật hoang dã và Phát triển bền vững với sự tham gia của đa dạng các đối tượng trong xã hội như giới trẻ, doanh nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học, giới báo trí truyền thông và các cơ quan chính phủ. Tại buổi lễ vinh danh, bà Hoàng Thị Minh Hồng đã chia sẻ về CHANGE cũng như những dự án CHANGE đã thực hiện trong thời gian qua. Chiến dịch bảo vệ tê giác được giới thiệu như một ví dụ hùng hồn về tính hiệu quả của các hoạt động truyền thông của CHANGE.
 
4,1 tỷ USD hỗ trợ giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu

Tại phiên Phiên khai mạc toàn thể Đại hội đồng Quỹ 
môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF 6) ở Đà Nẵng ngày 27/06, Bà Naoki Ishii, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu, nhấn mạnh tới vai trò của Quỹ Môi trường toàn cầu trong suốt 25 năm qua đồng hành trong việc giải quyết các vấn đề môi trường ở nhiều nơi, nhiều quốc gia trên thế giới, bà Naoki Ishii thừa nhận rằng thành công trong quá khứ này là không đủ và chúng ta phải thay đổi. Chúng ta phải khôi phục lại các hệ sinh thái là nền tảng cho phát triển xã hội và kinh tế của chúng ta. Muốn thế, cần phải dựa trên sự liên kết giữa nhiều cơ quan, đối tác liên quan - chính là sức mạnh của sự hợp tác - sự hợp tác của 183 quốc gia thành viên, 18 cơ quan lớn với mạng lưới đối tác mạnh để thực hiện 5 Công ước bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, các trường đại học và viện nghiên cứu…
 
Chính vì vậy, GEF-7 chính là cơ hội để cùng thay đổi. Với 29 nhà tài trợ, GEF đã có sự bảo đảm về 4,1 tỷ USD trong bốn năm tới cho rất nhiều chương trình hỗ trợ giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu. Kỳ họp Đại hội đồng GEF-6 diễn ra trong 2 ngày 27 - 28/6/2018, tập trung vào việc thảo luận, hoàn thiện các Văn kiện hợp tác GEF; Báo cáo về Quỹ Biến đổi khí hậu Đặc biệt (SCCF)/Quỹ Ủy thác cho các nước kém phát triển (LCDF); Báo cáo chiến lược dài hạn của GEF; Báo cáo của Ban Tư vấn về Khoa học và Kỹ thuật; Đánh giá và thẩm định các chính sách trong việc vận hành Quỹ; Báo cáo của các nước thành viên tham gia GEF. Đồng thời cũng sẽ thông qua kết quả các Phiên họp hội nghị bàn tròn cấp cao về một số chủ đề trọng tâm như phát triển kinh tế xanh lam; quản lý đất đai; hóa chất, chất thải và thủy ngân; thành phố bền vững; động vật hoang dã...; và thông qua Văn kiện hợp tác GEF.

Phát hành tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế

Báo Điện tử Chính phủ đưa tin: Ngày 26/6, tại Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã diễn ra Lễ công bố Phát hành trên thị trường quốc tế hơn 1 triệu tín chỉ carbon theo cơ chế tự nguyện từ các công trình khí sinh học quy mô nông hộ Dự án Chương trình khí sinh học cho ngành Chăn nuôi Việt Nam 2016-2020. Từ năm 2003, Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam đã được triển khai với nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức của Chính phủ Hà Lan do Bộ NN&PTNT là cơ quan chủ quản và giao Cục Chăn nuôi làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện.Mục tiêu tổng thể của dự án là nhằm phát triển ngành khí sinh học định hướng thị trường và giảm phát thải khí nhà kính từ việc sản xuất chăn nuôi thông qua hỗ trợ xây dựng các công trình khí sinh học tại nông hộ. Tổng số công trình khí sinh học được xây dựng và lắp đặt từ năm 2003 đến hết năm 2017 đạt trên 170.000 công trình ở hơn 55 tỉnh, thành.

Tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết , trên quy mô quốc tế, đây là dự án có số lượng tín chỉ carbon theo cơ chế tự nguyện lớn nhất thế giới về giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực khí sinh học. Đây là dự án rất đặc biệt bởi ngoài việc đạt được các mục tiêu tổng thể, dự án đã đóng góp hơn 50% tổng kinh phí thực hiện dự án trong bối cảnh nguồn vốn viện trợ ODA giảm dần và nguồn đối ứng của Việt Nam ngừng phân bổ. “Việt Nam cùng với các quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã đệ trình “Báo cáo đóng góp dự kiến cho quốc gia tự quyết định” tại COP 21 tại Paris, Pháp năm 2015. Theo đó, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính 8% vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường. Mục tiêu có thể đạt trên 25% nếu có hỗ trợ quốc tế về tài chính và công nghệ, năng lực. Hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Bộ NN&PTNT”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định.

THẾ GIỚI

Báo động tình trạng tử vong cao trên thế giới do ô nhiễm không khí

Theo báo cáo có tiêu đề "Các mục tiêu phát triển bền vững năm 2018," trong năm 2016, 91% dân cư đô thị trên thế giới đang hít thở bầu không khí ô nhiễm không đáp ứng các tiêu chuẩn trong Hướng dẫn Chất lượng không khí được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra về hạt vật chất có đường kính dưới 2,5 micromet (PM2,5). Trong khi đó, hơn một nửa dân cư đô thị bị phơi nhiễm 
không khí ô nhiễm cao ít nhất 2,5 lần so với tiêu chuẩn an toàn – TTXVN đưa tin.

Nhiều thành phố trên thế giới đang đứng trước những "bài toán khó"về quản lý đô thị khi tốc độ đô thị hóa nhanh, từ bảo đảm có đủ nhà ở và hạ tầng cơ sở cho dân số ngày càng tăng đến đối mặt với tác động của đô thị hóa đối với môi trường cũng như giảm tính dễ tổn thương trước các thảm họa. Báo cáo cho biết trong giai đoạn 2000-2014, tỷ lệ người dân tại các đô thị trên thế giới sống trong các khu ổ chuột đã giảm từ 28,4% xuống 22,8%. Tuy nhiên, con số thực tế số người đang sống trong các căn nhà ổ chuột lại tăng từ 807 triệu đến 883 triệu người.

Trái đất gặp nguy trước một hiện tượng đang diễn ra hàng ngày?

Theo Trung tâm nghiên cứu Động lực học thiên thể Colorado thuộc Trường đại học Colorado, vùng biển Bắc Cực được biết đến với những khối băng tồn tại hàng nhiều năm trước khi tan chảy. Băng trẻ 1 năm tuổi hình thành trong mùa Đông và đạt mức tối đa vào khoảng tháng 3. Sau đó, khi mùa Hè đến, băng bắt đầu tan. Một số tảng băng tan khi mùa Hè đến, nhưng một số khác tiếp tục được bồi dày hơn qua mùa Đông tiếp theo và trở thành băng 2 năm tuổi. Đến mùa Hè sau đó, một số tảng băng 2 năm tuổi tiếp tục sống sót, trở nên dày hơn nữa. Cứ thế, chúng trở thành băng già. Có những khối băng tồn tại đến hơn 1 thập kỉ. Tuy nhiên, ngày nay, băng ở biển Bắc Cực còn lại chủ yếu là băng 1 năm tuổi. Trong khi phần băng già nhất liên tục tan do các dòng hải lưu đẩy chúng về phía Nam nơi có nước biển ấm hơn, thì ngày càng có thêm những khối băng già tan ngay trên vùng biển Bắc Cực.

Tình trạng này cực kì nguy hại cho các loài động vật ở đây, chẳng hạn như loài kì lân biển, vì chúng dùng băng để trốn khỏi các loài động vật ăn thịt, như cá voi sát thủ chẳng hạn. Khi không có băng, cá voi sát thủ đi săn nhiều hơn ở những vùng nước của kì lân biển, ăn thịt kì lân biển và xua đuổi kì lân biển ra khỏi vùng có nhiều thức ăn nhất. Mark Serreze, Giám đốc Trung tâm Số liệu băng tuyết quốc gia, Mỹ cho biết, số liệu ghi nhận được đã ở mức kỉ lục, theo đó có thể dự đoán là đến năm 2030 biển Bắc Cực sẽ chỉ còn băng trong một số mùa. Trước đó không lâu Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng cho biết, qua các thông số của vệ tinh mà họ sử dụng thì 900 km2 băng ở Bắc Cực đã biến mất vào năm 2011. Điều này có nghĩa là thực trạng băng tan lớn hơn 50% so với dự đoán của các nhà môi trường học. Rõ ràng, việc Trái đất đang dần nóng lên vì gia tăng lượng khí thải nhà kính đang ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ băng tan ở Bắc Cực.

Tiểu hành tinh xoá sổ khủng long khiến Trái Đất nóng lên

Khí carbon dioxide (CO2) phát thải vào bầu khí quyển sau vụ va chạm với tiểu hành tinh Chicxulub khiến khủng long bị tuyệt chủng cách đây 65 triệu năm đã làm ấm khí hậu của Trái Đất trong 100.000 năm. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science vào tháng 5/2018, theo Space. Giới khoa học từ lâu đề xuất giả thuyết rằng, sau khi thiên thạch có đường kính từ 7 đến 14 km va chạm với bán đảo Yucatan, gần thị trấn Chicxulub ngày nay ở Mexico, nhiệt độ của Trái Đất nhanh chóng tăng mạnh trong vài phút hoặc vài giờ. Sau đó, nhiệt độ của hành tinh giảm xuống trong nhiều tháng đến vài thập kỷ. Nguyên nhân là do lượng bụi và bồ hóng khổng lồ giải phóng vào bầu khí quyển ngăn chặn ánh nắng Mặt Trời chiếu xuống mặt đất. Cuối cùng, lượng khí nhà kính CO2 giải phóng sau vụ va chạm đã gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Kenneth MacLeod, giáo sư về khoa học địa chất tại Đại học Missouri, Mỹ, và cộng sự phân tích những mảnh răng, vây, xương cá hóa thạch từ khu vực El Kef, nằm ở phía tây bắc Tunisia. Đây là một trong những nơi lưu giữ các hóa thạch cổ nhất thế giới, có niên đại từ cả trước và sau vụ va chạm với tiểu hành tinh Chicxulub. Trong số 40 mẫu hóa thạch được nghiên cứu, 10 mẫu có niên đại trước vụ va chạm 50.000 năm, 20 mẫu sau vụ va chạm 100.000 năm và 10 mẫu sau vụ va chạm 200.0000 năm. Nhóm nghiên cứu xem xét nồng độ của đồng vị oxy trong hóa thạch. Các đồng vị này khác nhau về số lượng nơtron trong nguyên tử oxy, và chúng hoạt động hơi khác nhau. "Khi nhiệt độ tăng, hàm lượng oxy 16 (đồng vị oxy nhẹ hơn) trong hóa thạch cũng tăng lên. Chúng tôi đo tỷ lệ đồng vị oxy 16 so với đồng vị oxy 18. Cứ 1/1000 tỷ lệ này thay đổi tương ứng với mức thay đổi nhiệt độ khoảng 4,5 đến 5 độ C", MacLeod nói.

Nhật Bản thông qua dự luật hạn chế xả rác thải nhựa

Trong một nỗ lực nhằm hạn chế tình trạng 
ô nhiễm đại dương, ngày 15/6, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự luật về giảm thiểu việc xả thải các hạt nhựa siêu nhỏ từ các nhà máy ra biển. Dự luật trên đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của các thượng nghị sĩ Nhật Bản. Văn bản này hối thúc các doanh nghiệp, đặc biệt là các hãng sản xuất hóa mỹ phẩm, ngừng sử dụng các hạt nhựa siêu nhỏ trong quá trình sản xuất, đồng thời kêu gọi giảm thải các mảnh nhựa có kích thước lên tới 5mm ra môi trường. Ngoài ra, dự luật này cũng khuyến khích chính quyền địa phương nâng cao ý thức người dân trong việc tái chế nhựa và giảm thiểu rác thải nhựa. Đây là dự luật môi trường đầu tiên tại Nhật Bản về các biện pháp giảm thiểu xả thải các hạt nhựa siêu nhỏ ra môi trường. Tuy nhiên, văn kiện này không đưa ra các chế tài xử phạt đối với những tổ chức và cá nhân thiếu ý thức và không tuân thủ các yêu cầu trên.

Một nhóm các nhà khoa học cho biết hồi năm ngoái khoảng 40% lượng cá đánh bắt tại các hồ và biển tại Nhật Bản có chứa các hạt nhựa siêu nhỏ trong cơ quan tiêu hóa của chúng. Theo các chuyên gia, tổng lượng rác thải nhựa mỗi năm thu gom tại các đại dương trên thế giới vào khoảng 4,8 triệu đến 12,7 triệu tấn. Tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Canada vừa qua, 5 trong số 7 nước thuộc nhóm G7, trừ Nhật Bản và Mỹ, đã cùng thông qua một chương mới nhằm tìm kiếm biện pháp hạn chế tình trạng
 ô nhiễm rác thải nhựa trong môi trường.

Olympics 2020 sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo

Ủy ban tổ chức thế vận hội Olympics và Paralympic 2020 vừa tuyên bố sự kiện này sẽ sử dụng hoàn toàn bằng nguồn năng lượng tái tạo, nhằm tăng cường các mục tiêu về bảo vệ môi trường. Theo Slashgear, nguồn điện được sử dụng tại tất cả các địa điểm như làng vận động viên, trung tâm phát sóng quốc tế và trung tâm báo chí tại hai sự kiện này sẽ lấy hoàn toàn từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Bên cạnh việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời, Nhật Bản cũng sẽ mua thêm nguồn năng lượng tái tạo từ các công ty điện. Theo kế hoạch, các hạng mục cho thuê cả ngắn hạn và dài hạn xuyên suốt sự kiện sẽ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo càng nhiều càng tốt. Đối với chất thải như chai nhựa và thực phẩm thải ra tại các địa điểm, mục tiêu tái chế và tái sử dụng được đặt ở mức 65%, so với con số 62% ở thế vận hội diễn ra tại London (Anh) vào năm 2012.

Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem: 1426

Các tin khác

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

Thái Bình chọn rừng

(24/03/2024 06:08:AM)

Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 - "Giảm dấu chân Carbon - Hướng tới Net Zero"

(17/03/2024 07:00:AM)

Ngày Nước thế giới 2024 - Nước cho hòa bình

(16/03/2024 07:17:AM)

Ngày Khí tượng thế giới 2024 - Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu

(16/03/2024 07:14:AM)

TP. Hồ Chí Minh: Hướng tới phát triển xanh, bền vững

(15/03/2024 06:14:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(14/03/2024 04:16:AM)

Lâm Đồng: Chuyến tàu ''tăng trưởng xanh'' chuyển bánh

(11/03/2024 05:11:AM)

Giữ lại 12.500 ha Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Thái Bình)

(08/03/2024 06:00:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE