quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Điểm tin môi trường trong tuần

Thứ Bảy, 12/05/2018 | 06:06:00 AM

Thu trên 888 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn; Đề xuất đưa rùa Hoàn Kiếm mới phát hiện về Đồng Mô; World Cup 2018 có nguy cơ bị châu chấu phá hoại; Thông qua nghị quyết tiến tới công ước môi trường toàn cầu... là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

 VIỆT NAM
 
Thu trên 888 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến cuối tháng 4/2018, cả nước đã thu được trên 888 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng, đạt trên 38% kế hoạch năm và tăng 68% so với cùng kỳ năm 2017 (thu tăng so với cùng kỳ 361 tỷ đồng); trong đó, Quỹ Trung ương thu được trên 713 tỷ đồng; quỹ tỉnh thu được gần 175 tỷ đồng. Thu dịch vụ môi trường rừng tăng mạnh bởi thực hiện theo Quyết định 147/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.


Theo đó, mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng áp dụng đối với các cơ sở sản xuất thủy điện từ 20 đồng/kWh lên 36 đồng/kWh. Bên cạnh đó, năm nay, quỹ dịch vụ môi trường rừng cũng đòi nợ được gốc (các doanh nghiệp trả hết nợ); thời tiết thuận lợi, mưa nhiều nên lượng điện phát ra tăng. Dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, giảm áp lực chi ngân sách, chi trả cho trên 5,4 triệu ha rừng. Đây chính là nguồn kinh phí để hỗ trợ người trồng rừng và bảo vệ rừng, từ đó sẽ giúp người dân sống bằng nghề rừng ổn định hơn và gắn bó với rừng hơn. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, lũy kế chi tiền dịch vụ môi trường rừng của 2017 đến cuối tháng 4/2018 đạt gần 1.028 tỷ đồng/1.452 tỷ đồng trả cho chủ rừng, đạt xấp xỉ 71% số phải chi trả - theo TTXVN.

Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quyết định được ký ngày 07/05/2018, mục tiêu đến 2025, 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; Tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình

85% chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường; sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân huỷ; 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ...

Đề xuất đưa rùa Hoàn Kiếm mới phát hiện về Đồng Mô

VnExpress đưa tin: Trở về từ hội nghị "Bảo vệ các cá thể rùa hoang dã trên hồ Đồng Mô và Xuân Khanh" do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức sáng 10/5, đại diện Chương trình bảo rồn rùa châu Á (ATP) chia sẻ rất vui mừng khi nhiều cơ quan chức năng cùng lên kế hoạch bảo vệ loài rùa quý hiếm nhất thế giới ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Đây là hai trong bốn con rùa Hoàn Kiếm trên thế giới. Tại hội nghị, Chi cục Thủy sản Hà Nội đưa ra dự thảo kế hoạch bảo vệ hai rùa hoang dã ở thị xã Sơn Tây, trong đó nhấn mạnh đến tính cấp bách phải bảo vệ chúng. Nhiều giải pháp được đưa ra gồm: kiểm soát chất lượng nước hồ; đánh giá tác động của hoạt động du lịch, nông nghiệp ảnh hưởng đến thủy sản nói chung và rùa nói riêng; tổ chức đoàn tuần tra liên ngành theo dõi ngăn chặn hành vi gây hại cho hồ.

ATP đề nghị giới chức Hà Nội nên đưa rùa ở hồ Xuân Khanh về Đồng Mô. "Việc di chuyển này là cần thiết, bởi nếu để riêng rẽ chúng thì không có nhiều ý nghĩa về bảo tồn", ATP cho hay. Trên hồ Đồng Mô, ATP đã xây dựng bãi cát kích thước 10x5m, dốc thoai thoải giúp rùa có cơ hội đẻ trứng và có nơi phơi nắng. Bãi cát nhân tạo tạo trên một hòn đảo nhỏ, an toàn ở giữa hồ và chỉ có thể tiếp cận bằng thuyền. Nếu đưa rùa Xuân Khanh về đây thì việc chăm sóc và bảo vệ sẽ thuận tiện hơn. Quan điểm của ATP nhận được sự ủng hộ của ban ngành. Tuy nhiên, theo các đại biểu, ban đầu nên bảo tồn nguyên vị (vẫn để rùa ở hồ Xuân Khanh) sau đó mới chuyển vị (đưa rùa đến Đồng Mô) khi có thêm bằng chứng về giới tính rùa. Một số đại biểu lo ngại môi trường nước hồ Xuân Khanh có thể ô nhiễm, gây hại cho động vật do nằm bên cạnh nhà máy xử lý rác. Sau cuộc họp, Sở Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo và sớm kiến nghị lên thành phố ban hành kế hoạch bảo vệ hai con rùa Hoàn Kiếm ở Sơn Tây.

3 thành phố Việt Nam vào chung kết Thành phố Xanh Quốc tế 2017-2018

Ba thành phố của Việt Nam – Đà Nẵng, Hội An và Đông Hà – đã vinh dự cùng 37 thành phố khác trên toàn thế giới lọt vào vòng chung kết cuộc thi Thành phố Xanhgiai đoạn 2017-2018 do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tổ chức. Được lựa chọn từ 132 thành phố từ 23 quốc gia, 40 thành phố này đã xuất sắc thuyết phục được Ban giám khảo bằng những cam kết và chương trình cụ thể nhằm giảm lượng phát thải các-bon trong quá trình phát triển, đặc biệt là trong giao thông – chủ đề chính của cuộc thi lần này.

Khi các thành phố trên thế giới xuất hiện ngày càng nhiều và dân số thành thị ngày càng gia tăng, các vấn đề đô thị vì thế cũng nảy sinh nhiều hơn. Đó không phải là một tin tốt lành đối với chất lượng cuộc sống và môi trường đô thị. Tuy nhiên, thành phố cũng là nơi tập trung và phát triển nhiều sáng kiến. Hiện nay, đã có rất nhiều sáng kiến có thể đáp ứng nhu cầu của cuộc sống đô thị mà không làm cạn kiệt tài nguyên của hành tinh. Được tổ chức hai năm một lần kể từ năm 2011, chương trình TPX 2017-2018 chú trọng hơn đến vấn đề giao thông xanh và bền vững - một thách thức lớn về môi trường đối với các thành phố trên toàn cầu. Hiện nay, một phần tư lượng phát thải các-bon trên toàn cầu đến từ giao thông đô thị.

Việt-Trung thả 43 triệu con cá giống để bảo tồn thủy sản Vịnh Bắc Bộ

VietnamPlus đưa tin chiều 8/5, hoạt động phối hợp thả giống thủy sinh để bảo vệ nguồn lợi thủy sản Vịnh Bắc Bộ năm 2018 giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra tại cửa khẩu sông Bắc Luân ở biên giới Việt-Trung, thuộc thành phố Đông Hưng, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là hoạt động nhằm thực hiện Bản ghi nhớ triển khai hợp tác thả giống và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ngày 12/1/2017. Trong đợt thả giống lần này, các đại biểu hai nước Việt-Trung đã cùng thả xuống vùng biển thuộc Vịnh Bắc Bộ 43 triệu con cá giống, 8 loài, trong đó có các loại cá song, cá tráp đỏ, cá tráp đen, cá hồng đỏ, cá hồng bạc... góp phần tích cực trong nuôi trồng và phục hồi tài nguyên cá, cải thiện môi trường sinh thái trên Vịnh Bắc Bộ, đồng thời thúc đẩy hiệu quả hợp tác nghề cá cũng như tăng thu nhập cho ngư dân hai nước Việt-Trung.

Hoạt động này nhằm giảm thiểu sự suy thoái nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ, đẩy nhanh sự phục hồi của quần thể nguồn lợi thủy sản, góp phần gia tăng lợi ích kinh tế thủy sản và thu nhập của ngư dân, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Về phía Việt Nam, hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản được ngành thủy sản và các địa phương rất coi trọng, triển khai rộng rãi tại các địa phương hàng năm nhân ngày truyền thống ngành thủy sản. Ngày này năm ngoái, hai nước đã phối hợp tổ chức hoạt động thả giống thủy sinh và bảo vệ nguồn lợi thủy sản lần thứ nhất. Thông qua giám sát, nghiên cứu và đánh giá của cơ quan nghiên cứu, sản lượng thủy sản thả năm ngoái đã tăng 20%. Trước đó năm 2000, Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc ký kết Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ, phân chia thích hợp vùng sản xuất thủy sản trên Vịnh Bắc Bộ.
 
THẾ GIỚI

World Cup 2018 có nguy cơ bị châu chấu phá hoại

Loài côn trùng ăn lá có khả năng sẽ tấn công mặt cỏ tại các sân vận động trong thời gian diễn ra World Cup năm nay. Châu chấu thường tấn công mùa màng nông nghiệp ở miền nam Nga. Giữa năm nay, trùng với thời điểm World Cup diễn ra, là giai đoạn hoạt động mạnh của loài côn trùng ăn lá này. Pyotr Chekmaryov, người đứng đầu cơ quan bảo vệ thực vật của Bộ Nông nghiệp Nga, bày tỏ sự lo ngại: ''Chúng tôi đã học được ít nhiều cách làm thế nào để đối phó với châu chấu, nhưng e rằng năm nay có thể xảy ra một vụ rắc rối về châu châu mang tầm quốc tế.

Châu chấu thường xuất hiện ở những nơi có nhiều lá cây xanh, kể cả mặt cỏ trên sân thi đấu''. Cũng theo Chekmaryov, Volgograd - thành phố nằm cách thủ đô Moscow khoảng 1.000 km, là nơi đáng báo động về tình trạng châu chấu. ''Điều quan trọng là không được để chúng làm ô danh đất nước, nhất là khi chúng ta đón tiếp những vị khách đến từ khắp nơi trên thế giới'', Chekmaryov nhấn mạnh. World Cup 2018 sẽ diễn ra từ ngày 14/6 đến 15/7 tới. Giải sử dụng 12 sân vận động ở 11 thành phố trên khắp nước Nga.

Thông qua nghị quyết tiến tới công ước môi trường toàn cầu

TTXVN đưa tin: Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 10/5 đã thông qua một nghị quyết, theo đó đề ra lộ trình hướng tới một Công ước Môi trường Toàn cầu để nối tiếp Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. 143 trên tổng số 193 quốc gia thành viên đã thông qua nghị quyết về công ước do Pháp bảo trợ này. Theo nghị quyết, Liên hợp quốc sẽ lập một nhóm chuyên viên có nhiệm vụ xác định những kẽ hở trong luật môi trường quốc tế và xác định xem liệu có cần một cơ chế quản lý mới hay không. Nhóm này dự kiến sẽ đệ trình các kiến nghị lên Đại hội đồng vào giữa năm 2019 trước thềm một hội nghị liên chính phủ.

Phát biểu tại cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Francois Delattre cảnh báo môi trường đang trong tình trạng xuống cấp chưa từng có, "gây ra những hậu quả khốc liệt lên hành tinh, trong đó có tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, tình trạng di cư ồ ạt và xung đột tái phát." Tháng Chín năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hối thúc các quốc gia nhất trí một công ước toàn cầu, và đây sẽ là hiệp ước quốc tế có sự ràng buộc về pháp lý đầu tiên tập hợp tất cả các quyền về môi trường vào trong một văn kiện.

Trung Quốc dùng camera phát hiện xe phát tiếng ồn

Với hơn 5 triệu phương tiện đăng ký, Thủ đô Bắc Kinh không chỉ đối mặt với tình trạng tắc đường, ô nhiễm không khí mà còn phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ còi xe. Tình trạng tiếng ồn nghiêm trọng tới mức Bắc Kinh bị đánh giá là thành phố thứ 6 ồn nhất thế giới buộc chính quyền địa phương phải thay đổi thực trạng. Sau dự án thử nghiệm hồi đầu năm, mới đây, Cơ quan Quản lý giao thông Bắc Kinh đã lắp đặt 20 camera với thiết kế có thể phát hiện những chiếc ô tô phát ra tiếng còi. Camera được lắp đặt gần trường học và bệnh viện, sử dụng 32 microphone và 1 camera HD để quay video 2 giây, ghi lại biển số những xe dùng còi.

Cảnh sát sẽ phân tích video bằng chứng để quyết định tiếng còi của chiếc ô tô đó có vi phạm quy định hay không. Nếu có, chủ xe sẽ bị phạt 16 USD. Mặc dù công nghệ này chưa thể nhận dạng khuôn mặt người điều khiển phương tiện nhưng trong thời gian ngắn tới, camera phát hiện tiếng ồn có thể được tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt hiện đang được kết nối với hệ thống tính điểm uy tín xã hội. Qua đó, những tài xế tái phạm hành vi bấm còi sẽ bị xử phạt cùng mức với người đi bộ sai làn đường hiện nay.

Xây nhà tại California phải trang bị tấm pin mặt trời

California đang thực hiện những bước di chuyển táo bạo để trở thành tiểu bang đầu tiên tại Mỹ bắt buộc các ngôi nhà mới xây dựng sau năm 2020 phải trang bị các tấm pin năng lượng mặt trời. Theo các chủ thầu xây dựng tại California, ngày càng nhiều chủ nhà chấp nhận trang bị tấm pin năng lượng mặt trời khi xây nhà mới. Dù vậy, nhiều người vẫn từ chối lắp pin năng lượng mặt trời vì họ tin rằng điều này sẽ làm gia tăng các hóa đơn mà họ phải trả hàng tháng. Tuy nhiên, theo các phân tích tài chính chuẩn xác thì việc lắp pin năng lượng mặt trời sẽ giúp chủ nhà tiết kiệm tiền trong tương lai. Điều đó khiến Ủy ban Năng lượng California đưa ra bàn luận đề xuất bắt buộc người dân tại bang này khi xây nhà mới từ năm 2020 phải trang bị tấm pin năng lượng mặt trời. Dự kiến, cuộc bỏ phiếu thông qua đề xuất này sẽ được thực hiện vào ngày 9.5 tới (giờ địa phương).

Nếu được thông qua, đề xuất này sẽ thành tiêu chuẩn năng lượng mới của tiểu bang California, biến năng lượng tái tạo trở thành yêu cầu bắt buộc phải có kể từ năm 2020. Theo Tech Times, đề xuất này sẽ là một cú hích có lợi đối với thị trường năng lượng tái tạo tại Mỹ, khi doanh số tấm pin năng lượng mặt trời tại nước này sẽ tăng kỷ lục. Gần như tất cả các ngôi nhà tại California sẽ bị áp tiêu chuẩn mới, trừ những ngôi nhà có diện tích quá nhỏ hoặc bị che bởi bóng cây. Ngoài yêu cầu bắt buộc phải lắp pin năng lượng mặt trời thì Ủy ban Năng lượng California còn đang xem xét các đề xuất khác gồm nâng cấp các tiêu chuẩn truyền nhiệt, ánh sáng phi dân cư và thông gió. Những yêu cầu này có thể khiến chủ nhà phải chi thêm 40 USD cho hóa đơn hàng tháng của họ. Nhưng theo tính toán thì về lâu dài các chủ nhà sẽ tiết kiệm được 80 USD mỗi tháng cho chi phí sưởi ấm, làm mát và chiếu sáng.

Vệ tinh giám sát toàn diện môi trường đầu tiên của Trung Quốc

VnExpress đưa tin ngày 09/05/2018 Trung Quốc đã phóng thành công Gaofen 5 - vệ tinh viễn thám sử dụng công nghệ chụp ảnh siêu phổ có khả năng giám sát toàn diện môi trường. Vệ tinh được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 4C từ Trung tâm Phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây, vào lúc 02h28 rạng sáng thứ 4 theo giờ Bắc Kinh, theo Xinhua. Gaofen 5 là vệ tinh đầu tiên do Trung Quốc phát triển có khả năng giám sát ô nhiễm không khí. Vệ tinh tự động phân tích và phản ánh tình trạng ô nhiễm không khí ở Trung Quốc bằng cách theo dõi các tác nhân gây ô nhiễm, khí nhà kính và aerosol (sol khí - hệ keo của các hạt chất rắn hoặc giọt chất lỏng trong không khí).

Vệ tinh có thể phát hiện nguồn nước trong lục địa, môi trường sinh thái, đá và khoáng vật, cung cấp những dữ liệu quan trọng và có độ chính xác cao trong việc bảo vệ môi trường, theo dõi khí tượng và thăm dò tài nguyên thiên nhiên. Gaofen 5 có khả năng thu thập dữ liệu quang phổ từ tia cực tím đến bức xạ hồng ngoại có bước sóng dài. Đây là vệ tinh viễn thám có độ phân giải quang phổ cao nhất của Trung Quốc. Nó được trang bị sáu thiết bị quan sát tiên tiến như camera siêu phổ hồng ngoại sóng ngắn và máy dò khí nhà kính. Vệ tinh có thể phân tích thành phần vật liệu thông qua công nghệ hình ảnh siêu phổ. Gaofen 5 được phát triển bởi Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) và dự kiến có thể hoạt động trong 8 năm. Vụ phóng hôm 9/5 là nhiệm vụ thứ 274 của dòng tên lửa đẩy Trường Chinh.

Mai Anh (moitruong.com.vn/TH)

Lượt xem: 1593

Các tin khác

Ngày Quốc tế Trái đất 2024: Đối đầu của hành tinh với nhựa

(24/04/2024 07:28:AM)

Ninh Bình: Chim hoang dã bay rợp trời trong khu du lịch Thung Nham

(23/04/2024 06:10:AM)

Chủ đề Ngày Trái đất 2024: Đối đầu của Hành tinh với Nhựa

(18/04/2024 07:27:AM)

Bến Tre: Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng

(13/04/2024 04:52:PM)

Vàng ròng tín chỉ carbon

(08/04/2024 07:45:AM)

Đồng Nai quyết tâm giảm phát thải carbon

(05/04/2024 07:30:AM)

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh, nhiệt độ giảm mạnh

(04/04/2024 06:43:AM)

Thừa Thiên Huế: Tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững

(02/04/2024 07:29:AM)

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE