quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Điểm tin môi trường trong tuần

Thứ Bảy, 26/05/2018 | 06:55:00 AM

Kiến nghị giãn lộ trình tăng thuế bảo vệ môi trường; Trao giải cuộc thi phim và phóng sự ngắn về thiên tai; Thành lập các Tiểu ban phục vụ Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu; Các nước Đông Nam Á sẽ thiệt hại trầm trọng vì biến đổi khí hậu; Hamburg là thành phố đầu tiên ở Đức cấm xe chạy bằng diesel; Giun ăn thịt khổng lồ đe dọa các loài động vật hoang dã; ... là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

 VIỆT NAM
 
Kiến nghị giãn lộ trình tăng thuế bảo vệ môi trường

Theo thông tin trên SGGP, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM cho biết, vừa hoàn tất kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng xem xét có lộ trình và cân nhắc thận trọng đề xuất của Bộ Tài chính về việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên mức kịch trần. Nguyên nhân là vì giá xăng dầu tăng lên kịch trần trong thời điểm hiện nay sẽ ảnh hưởng nhiều đến giá cả chung của thị trường, đặc biệt là việc sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Chưa kể, đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cùng với giá dầu thế giới đang tăng nhanh từ đầu năm tới nay có thể tạo ra tác động kép cho người dân và doanh nghiệp.


Bởi theo công bố của Bộ Công thương trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 8-5 cho thấy, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore của 15 ngày trước kỳ điều hành với mặt hàng RON 92 là 80,8 USD/thùng; RON 95 là 86 USD/thùng và diesel là 97,4 USD/thùng. Thực tế này khiến giá xăng hiện tại so với thời điểm ngày 1-1 đã tăng khoảng 840 đồng/lít với E5 RON 92; tăng hơn 2.000 đồng/lít với RON 95 và gần 1.600 đồng/lít với dầu diesel. Do đó, nếu đề xuất của Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu sẽ tăng lên kịch khung với thời hạn áp dụng từ ngày 1-7, sẽ gia tăng áp lực gia tăng mạnh chi phí cho nền kinh tế. Trước đó, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công thương trong góp ý về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu cũng cho rằng, cần có lộ trình điều chỉnh một cách hợp lý và nghiên cứu kỹ tác động về mặt kinh tế của chính sách này bởi đây là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bởi theo tính toán, nếu giá xăng, dầu tăng thêm 1.000 đồng/lít thì nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp cũng tăng. Từ đó, người tiêu dùng cũng phải chấp nhận mua sản phẩm với mức giá bị điều chỉnh từ phía doanh nghiệp.

Trao giải cuộc thi phim và phóng sự ngắn về thiên tai

Nhân dịp kỉ niệm 72 năm ngày truyền thống phòng chống thiên tai Việt Nam, ngày 22/05 tại Hà Nội, Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố 9 tác phẩm đạt giải trong cuộc thi phim và phóng sự ngắn lần đầu tiên được tổ chức mang tên “Những sự kiện thiên tai cực đoan – Bài học quá khứ và Hành động tương lai”. Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy công tác truyền thông về phòng chống thiên tai để từ đó cộng đồng hiểu hơn về tác động của thiên tai và chủ động tham gia ứng phó. Cuộc thi cũng hỗ trợ việc đạt được các mục tiêu của Khung Sendai và các Mục tiêu phát triển bền vững nhằm giải thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Sau bốn tháng công bố cuộc thi từ ngày 15/11/2017, Ban tổ chức đã nhận được hơn 78 tác phẩm từ các tác giả trên khắp mọi miền. Hầu hết các tác phẩm phản ánh các tác động nghiêm trọng của thiên tai, khó khăn, những mất mất và thiệt hại của người dân sinh sống trong khu vực hay xảy ra thiên tai, đồng thời đưa ra các giải pháp thực tế cho chính phủ và cộng đồng. Nhiều tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng người xem. Giải nhất được trao cho tác phẩm “Đừng đùa với thiên tai” của Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Khánh Hòa. Giải nhì thuộc về tác phẩm “Lũ quét Mù Cang Chải – nguyên nhân hình thành và một số giải pháp” do Trung tâm Truyền hình Thời tiết và Cảnh báo thiên tai, Đài truyền hình Việt Nam; và tác phẩm “Chuyện cái ao” của tác giả Nguyễn Văn Hòa, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Sóc Trăng. Ngoài ra, còn có ba tác phẩm đạt giải ba.
 
Thành lập các Tiểu ban phục vụ Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu

TTXVN đưa tin: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định thành lập các Tiểu ban phục vụ Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6 và các sự kiện liên quan được tổ chức tại thành phố biển Đà Nẵng. Kỳ họp lần thứ 6 Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu diễn ra từ ngày 27-18/6, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Furama ở Đà Nẵng sẽ tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách nhất trên toàn cầu hiện nay.

Đây là Kỳ họp được tổ chức bốn năm một lần với sự tham gia của các Bộ trưởng phụ trách môi trường và các quan chức cấp cao khác từ 183 quốc gia thành viên, cùng với lãnh đạo các cơ quan Liên hợp quốc, các ngân hàng phát triển khu vực…để cùng chia sẻ ý tưởng, giải pháp và hành động cần thiết hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường toàn cầu. Tính đến ngày 23/5, theo thông tin từ Ban Thư ký GEF đã có 700 đại biểu quốc tế tham dự, trên tổng số dự kiến khoảng 1.200 đại biểu quốc tế, chưa kể các đại biểu trong nước.

THẾ GIỚI

Các nước Đông Nam Á sẽ thiệt hại trầm trọng vì biến đổi khí hậu

Theo tạp chí Science Advances (Các tiến bộ Khoa học) số ra mới đây, các nhà nghiên cứu nhận thấy hàm lượng sắt, kẽm, protein và các loại vitamin B1, B2, B5 và B9 - giúp cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng - đều giảm trong thóc gạo được trồng trong các điều kiện nồng độ CO2 cao hơn, trong đó, hàm lượng vitamin B1 (thiamine) giảm 17,1% và tính trung bình, hàm lượng protein giảm 10,3%, hàm lượng sắt giảm 8% và kẽm giảm 5,1%, so với lúa gạo được trồng trong các điều kiện CO2 hiện thời. Đồng tác giả của bản báo cáo, giáo sư Adam Drewnowski thuộc trường Đại học Washington, cho biết hiện tượng khí hậu ấm lên trên toàn cầu, biến đổi khí hậu, đặc biệt là các loại khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2, có thể tác động đến hàm lượng dinh dưỡng của các loại cây trồng được sử dụng làm thức ăn.

Điều đó có thể gây tổn hại trầm trọng đến các quốc gia dùng nhiều gạo - nơi khoảng 70% lượng calo và phần lớn nguồn dinh dưỡng đến từ gạo. Trong khi đó, tạp chí Nature (Thiên nhiên) ngày 24/5 dẫn cảnh báo của các nhà nghiên cứu nhận định rằng thất bại trong nỗ lực hạn chế dưới 2 độ C mức tăng của nhiệt độ Trái đất so với thời tiền công nghiệp có thể "tước đi" nhiều chục nghìn tỷ USD của nền kinh tế thế giới trong vòng 80 năm tới. Những thiệt hại và chi phí hỗ trợ cho việc khắc phục các tác động của thời tiết khắc nghiệt, năng suất cây trồng thấp và ảnh hường về sức khỏe dự báo sẽ gia tăng. Hiểu theo cách khác, trong gần một thế kỷ nữa, nền kinh tế toàn cầu trong điều kiện nhiệt độ Trái đất chỉ tăng 1,5 độ C sẽ tạo thêm 20.000 tỷ USD cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với nền kinh tế hoạt động trong điều kiện nhiệt độ ở nhiệt độ tăng thêm 2 độ C. Kết quả nghiên cứu cho thấy sẽ có thêm 150 triệu người dân trên toàn cầu có thể đối mặt với nguy cơ thiếu hụt protein đến năm 2050.

Hamburg là thành phố đầu tiên ở Đức cấm xe chạy bằng diesel

TTXVN đưa tin: Để cải thiện chất lượng không khí, chính quyền thành phố Hamburg của Đức ngày 23/5 thông báo sẽ cấm một số xe hơi chạy bằng dầu diesel hoạt động trên 2 tuyến đường giao thông chính trong thành phố. Như vậy, Hamburg đã trở thành thành phố đầu tiên của Đức áp đặt lệnh cấm này. Trong một tuyên bố, chính quyền thành phố Hamburg cho biết bắt đầu từ ngày 31/5 tới, các xe tải cũ chạy bằng dầu diesel sẽ không được chạy trên quãng đường dài 1,6 km trên đường cao tốc Stresemannstrasse ở quận Altona. Trong khi đó, xe tải và xe hơi chạy bằng dầu diesel không đáp ứng tiêu chuẩn mới nhất về khí thải Euro 6 sẽ bị cấm hoạt động trên chặng đường dài 580m trên đường Max-Brauer-Alle. Tuy nhiên, xe hơi của người dân địa phương, của các doanh nghiệp cũng như xe đưa thư, xe cứu thương và xe vệ sinh môi trường sẽ không nằm trong lệnh cấm này.

Chính quyền thành phố Hamburg có động thái trên sau khi một tòa án tối cao Đức hồi tháng 2/2018 ra phán quyết rằng các thành phố có thể cấm những xe cũ chạy bằng dầu diesel chạy trên một số tuyến đường nhất định nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Bộ trưởng Giao thông liên bang Đức Andreas Scheuer cho biết nước này đã đề ra một loạt các biện pháp cụ thể nhằm làm cải thiện chất lượng không khí mà không phải hạn chế sự di chuyển như trợ giá cho xe chạy điện và nâng cấp các xe buýt cũ chạy bằng dầu diesel. Năm ngoái, tại Đức có khoảng 66 thành phố vượt giới hạn về mức độ ô nhiễm không khí. Chính phủ Đức đặt mục tiêu giảm nhanh số lượng các thành phố này xuống 1 con số.

Giun ăn thịt khổng lồ đe dọa các loài động vật hoang dã

Loài giun khổng lồ dài tới 40 cm từ các khu rừng nhiệt đới ở châu Á đã lên xâm chiếm các khu vườn ở Pháp, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến các loài động vật hoang dã bản địa – theo The Independent. Dù kích thước lớn nhưng sinh vật lạ thường này lại không được ai chú ý đến trong nhiều năm qua. Phải đến năm 2013 nhà nhiên học nghiệp dư Pierre Gros mới chú ý và chụp nhiều bức hình về loài vật xâm thực này. "Những bức ảnh này được gửi qua email của nhiều người rồi mới đến với tôi. Tôi nhìn vào ảnh và ngạc nhiên "Ô, điều này là không thể - chúng ta không có loài động vật này ở Pháp", Giáo sư Jean-Lou Justine, một nhà động vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Pháp nói với tờ The Independent.

Bản năng của một nhà khoa học khiến Giáo sư Justine quyết định đánh giá quy mô của vụ xâm thực động vật này. Kết quả là sau 5 năm nghiên cứu, ông đã ghi nhận được hơn 100 trường hợp về việc thấy loài giun ăn thịt nói trên, trên khắp nước Pháp. Đặc biệt, có một nhân chứng cho biết ông đã thấy loài sinh vật này từ năm 1999. "Những gì chúng ta biết bây giờ là có những con giun dẹp xâm lấn hầu như ở khắp mọi nơi ở Pháp", Giáo sư Justine nói. Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí PeerJ với đồng tác giả là anh Gros thì nhiều loài giun đã xâm thực vào nước Pháp. Đặc biệt là loài giun đầu búa, một sinh vật được biết là có thể có chiều dài lên tới hơn 1 mét.

Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem: 1393

Các tin khác

Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 - "Giảm dấu chân Carbon - Hướng tới Net Zero"

(17/03/2024 07:00:AM)

Ngày Nước thế giới 2024 - Nước cho hòa bình

(16/03/2024 07:17:AM)

Ngày Khí tượng thế giới 2024 - Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu

(16/03/2024 07:14:AM)

TP. Hồ Chí Minh: Hướng tới phát triển xanh, bền vững

(15/03/2024 06:14:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(14/03/2024 04:16:AM)

Lâm Đồng: Chuyến tàu ''tăng trưởng xanh'' chuyển bánh

(11/03/2024 05:11:AM)

Giữ lại 12.500 ha Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Thái Bình)

(08/03/2024 06:00:AM)

Vườn quốc gia Ba Vì tổ chức công bố Quyết định công nhận cây di sản Việt Nam và tái thả động vật hoang dã đủ điều kiện về tự nhiên

(07/03/2024 09:06:AM)

Quảng Nam ước vọng về "điểm đến xanh đẳng cấp"

(07/03/2024 07:08:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE