quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Giữ công viên và cây xanh trong và sau đại dịch

Thứ Năm, 09/09/2021 | 08:52:00 AM

Rồi đây, sau đại dịch chúng ta sẽ phải thức tỉnh, rằng không cần thêm nữa những trung tâm mua sắm đồ sộ, những cơ sở thương mại và giải trí cao tầng theo dạng “hộp kín” chất đầy những yếu tố rủi ro chưa tiên liệu hết.

Giãn cách lớn, trung tâm Sài Gòn trở nên vắng lặng, đìu hiu. Những đại lộ thênh thang không người. Hàng loạt cao ốc, hàng quán, nhà phố đóng cửa im ỉm. Nhà thờ Đức Bà, nhà hát Thành phố, chợ Bến Thành uy nghi trong cô đơn. Những công viên lớn nhỏ bị giăng dây dằng dặc. Ký ức về một Sài Gòn sinh động và tươi trẻ càng thêm buồn đau khi tôi trông thấy những tấm tôn bít bùng được dựng lên che mất dòng sông, dọc công viên Bạch Đằng. 
 
Giữ[-]công[-]viên[-]và[-]cây[-]xanh[-]trong[-]và[-]sau[-]đại[-]dịch

Khung cảnh hoang tàn nhìn từ bên trong
đoạn cuối công viên Bạch Đằng, hướng ra đại lộ Tôn Đức Thắng (chụp ngày 8.6.2021)
 
Tại đoạn công viên từ trước Bộ Tư lệnh Hải quân đổ đến phần giáp ranh chân cầu Thủ Thiêm 2 đang diễn ra cảnh đập phá hoang tàn. Những cây đa lâu năm và hàng cây mát rượi dọc bờ sông thấp thỏm không biết số kiếp mình sẽ ra sao? Đầu tháng 6 vừa qua đã có “lệnh trảm” hơn 170 cây xanh để chỉnh trang công viên này. Mùa Covid-19 hoành hành, số phận nhiều công trình công cộng liệu có bị lãng quên?

Chuyện buồn nhiều tập: không hỏi ý dân!
 
Báo chí cho biết chi phí dự kiến xây dựng công viên Bạch Đằng là hơn 60 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ, nhất là vào thời điểm cả nước đang chật vật dồn tài lực phòng chống đại dịch. Tuy nhiên, điều bất ngờ hơn cả là việc chính quyền quyết định chặt cây xanh hàng loạt mà chưa hỏi ý kiến dân, kể cả cơ quan dân cử. 
 
Vì sao việc xây dựng một công trình công cộng lớn, với hơn 8.000m2 có nhiều yếu tố lịch sử, nằm ngay trung tâm thành phố, lại không được thông tin đầy đủ và tham khảo ý kiến người dân? Trong năm 2020, người dân chỉ biết qua báo chí một ít thông tin về mục tiêu và phác họa công trình “cải tạo chỉnh trang khu công viên Bạch Đằng theo hình thức xã hội hóa”. Trong khi đó, công trình “mở rộng trụ sở HĐND và  UBND thành phố” (bao gồm việc “hóa kiếp” tòa nhà cổ “Dinh Thượng thơ” ở số  59 - 61 Lý Tự Trọng, quận 1) từng được lấy ý kiến dân bằng hình thức triển lãm toàn bộ các phương án thiết kế với nhiều mô hình, tranh vẽ, bản đồ cụ thể. Sau triển lãm, công luận trong và ngoài nước kiên trì lên tiếng phản đối dự án này và UBND TP.HCM đã đồng ý không phá bỏ “Dinh Thượng thơ”.
 
Theo Luật Xây dựng (Điều 16 và 17), chủ đầu tư phải “lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng”. Phải chăng, điều luật và kinh nghiệm nói trên đã bị bỏ sót trong suốt quá trình chuẩn bị cho dự án công viên Bạch Đằng từ năm 2020 đến nay? Và rồi, ở thời điểm đầu tháng 6.2021, quyết định chặt cây và thi công cải tạo công viên Bạch Đằng được ban hành đúng vào lúc HĐND khóa cũ mãn nhiệm mà chưa có HĐND khóa mới!
 
Phớt lờ các điều luật về công viên và cây xanh  
 
Giữ[-]công[-]viên[-]và[-]cây[-]xanh[-]trong[-]và[-]sau[-]đại[-]dịch

 
Một cây đa lâu năm bên cầu tàu gần công trường cầu Thủ Thiêm 2 (chụp 8.6.2021)
 
Từ năm 2009, Luật Quy hoạch đô thị đã bao gồm các quy định về quản lý cây xanh, công viên, cảnh quan tự nhiên và mặt nước. Theo Điều 68, việc “chặt phá, di dời cây xanh, san lấp, thay đổi địa hình khu vực tự nhiên” đều phải được các cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép. Điều 68 còn khẳng định “tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước và các khu vực tự nhiên khác trong đô thị”.
 
Thế nhưng, cùng năm 2009, dự án xây dựng trung tâm Vincom đã “hô biến” công viên Chi Lăng thành một thực thể khác. Sau một năm xây dựng trung tâm thương mại ở mảnh đất kế bên công viên (nguyên là trụ sở của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM), phần lớn cây xanh và cảnh quan quen thuộc gần một trăm năm tại công viên Chi Lăng đã đồng loạt “lên trời”. Tại kỳ họp tháng 7.2010, một số đại biểu HĐND TP.HCM đưa vấn đề “công viên Chi Lăng biến dạng” ra chất vấn nhưng sau đó mọi việc lại rơi vào im lặng.
 
Cách công viên Bạch Đằng và công viên Chi Lăng không xa, cũng đã có những công trình tương tự âm thầm “bốc hơi” hay “biến thể”. Đó là chiếc lư hương lâu đời ở tượng đài Trần Hưng Đạo bỗng bị dời qua nơi khác vào đầu tháng 2.2019, đúng vào thời điểm kỷ niệm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Trước đó, năm 2016, hồ nước phun xinh đẹp ở giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, xây dựng từ năm 1942, vô cớ bị “xóa sổ”, để rồi ba năm sau, chính quyền tốn tiền tỷ để xây mới một hồ phun nước với biểu tượng hoa sen thay thế hồ phun nước cũ.
 
Cùng năm 2016, công viên Lam Sơn trước nhà hát Thành phố bị cắt bỏ hai hàng cây cao. Toàn bộ mặt bằng công viên bị đào xới để làm công trình ngầm nhà ga metro. Khi công trình hoàn tất, phần đất công viên được trồng hoa vội vã, rất tốn kém cho kịp lễ 30.4 năm 2020. Sau đấy, “công viên hoa” lại bị phá bỏ để chuyển thành khu triển lãm ngoài trời như hiện nay. Tại sao các cơ quan chức năng liên quan có thể “hồn nhiên” lãng phí tiền bạc của dân đến thế? 
 
Đừng quên công viên và cây xanh là tài sản công!
 
Ngoài công viên Chi Lăng, Lam Sơn và Bạch Đằng, người dân rất mong các công viên 23 Tháng 9, Tao Đàn, Phú Lâm, Gia Định, Đầm Sen… là những “lá phổi xanh” hiếm hoi của thành phố, sẽ không bị co hẹp hoặc biến dạng vì những đề xuất thương mại “đường mật”. Riêng công viên Quách Thị Trang, tượng đài Trần Nguyên Hãn cùng cây xanh và các công trình công cộng quanh các nhà ga metro, cầu trên bộ, cầu qua sông và kênh rạch, rất cần được tái lập hoặc tôn tạo, một cách hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
 
Gần đây, Luật Bảo vệ môi trường (2020) đã quy định “công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước, đường giao thông công cộng, hệ sinh thái tự nhiên phải được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan, bảo vệ môi trường và không được lấn chiếm, san lấp, sử dụng sai mục đích” (Điều 57). Trong khi đó, Luật Kiến trúc (2019) cũng yêu cầu các công trình công cộng, công trình phục vụ tiện ích đô thị trên tuyến phố, bao gồm cả đài phun nước đều phải đảm bảo thiết kế phù hợp với cảnh quan và đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ (Điều 11). 
 
Mặt khác, chúng ta không thể quên công viên và cây xanh đô thị cũng là một loại tài sản công quan trọng và quý giá. Điều 4 của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công (2017) nêu rõ tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng bao gồm nhiều công trình kết cấu hạ tầng. Trong đó, bao gồm hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hóa và hạ tầng du lịch. Như vậy, chính công viên và cây xanh đô thị thuộc về ba loại tài sản kết cấu hạ tầng nêu trên. Đã là tài sản công thì phải được quản lý và khai thác “công khai, minh bạch, chống lãng phí, chống tham nhũng và đúng pháp luật” (Điều 6). 
 
Giữ[-]công[-]viên[-]và[-]cây[-]xanh[-]trong[-]và[-]sau[-]đại[-]dịch

 
Một người thợ phá dỡ tường rào cũ ở đoạn cuối công viên Bạch Đằng (đối diện cao ốc Landmark, 8.6.2021)
 
Luật Quản lý và sử dụng tài sản công còn giao nhiệm vụ: “HĐND các cấp giám sát việc thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương” (Điều 17). Thiết nghĩ, HĐND TP.HCM khóa mới cần xem xét, giám sát ngay việc chặt cây xanh ở công viên Bạch Đằng. Kể cả, xem xét lại việc đầu tư xây dựng, cải tạo và chỉnh trang khu công viên này có phải là nhu cầu cấp thiết trong lúc thành phố đang phải đương đầu với đại dịch hay không! 
 
Rõ ràng, cũng giống như lĩnh vực di sản, các luật lệ hiện hành về giám sát, bảo vệ và bảo tồn môi trường, bao gồm công viên và cây xanh vẫn đang có đủ hiệu lực và khả năng thực hiện. Chẳng lẽ không thể sử dụng “cây gậy pháp lý” để ngăn chận và trừng phạt những kẻ cố ý làm hại, làm hỏng các công viên, cây xanh?
 
Khi đẩy lùi đại dịch Covid-19, bước vào thời kỳ “bình thường mới”, người dân đô thị Việt Nam cũng như nhiều nước đều nâng niu quý trọng và cần nhiều hơn nữa công viên và cây xanh, mặt nước và các không gian thoáng đãng công cộng. Nguồn tài nguyên nhân tạo này tích tụ nhiều năm - vừa là công sản vừa là di sản góp phần giúp toàn xã hội được sống nhân văn và thư giãn, tiếp sức cho làm việc sáng tạo. Đây là tài sản chung và phúc lợi của toàn dân, không thể để rơi vào những chiếc túi không đáy của các nhóm lợi ích nào đó! 
 
Rồi đây, sau đại dịch chúng ta sẽ phải thức tỉnh, rằng không cần thêm nữa những trung tâm mua sắm đồ sộ, những cơ sở thương mại và giải trí cao tầng theo dạng “hộp kín”, chất đầy những yếu tố rủi ro, chưa tiên liệu hết. 

Bài và ảnh: Phúc Tiến (T/c NĐT)

Lượt xem: 1329

Các tin khác

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

Thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

(22/03/2024 07:08:AM)

Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

(17/03/2024 06:53:AM)

Thúc đẩy chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước tại Việt Nam

(10/03/2024 07:49:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE