(Nhandanonline) Theo tin nước ngoài và TTXVN, Hội nghị Hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra từ ngày 12 đến 14-9 tại thành phố Xan Phran-xi-xcô, bang Ca-li-pho-ni-a, Mỹ với sự tham gia của hàng nghìn thống đốc, thị trưởng, giám đốc điều hành và chuyên gia từ hơn 100 quốc gia.

Hội nghị tập trung thảo luận tình trạng nhiệt độ toàn cầu tăng, đồng thời công bố các sáng kiến hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Hội nghị được coi là tiền đề cho Hội nghị lần thứ 24 của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 24) tại Ba Lan tháng 12 tới.
★ Trong phiên làm việc ngày 13-9, lãnh đạo hàng chục thành phố, các khu vực và doanh nghiệp trên thế giới đưa ra cam kết mang tên "Zero", theo đó các bên nói "không" với năng lượng hóa thạch, ô-tô thải khí, rác thải, khí thải CO2... Các thành phố Tô-ki-ô, Xơ-un, Pa-ri, Luân Ðôn, Bác-xê-lô-na, Rốt-téc-đam và Mê-hi-cô Xi-ty cam kết chỉ sử dụng xe buýt điện vào năm 2025. Ngoài ra, hàng chục thành phố, các tổ chức đa quốc gia dự kiến cam kết sử dụng năng lượng sạch, chủ yếu là năng lượng mặt trời và gió trong vòng vài thập kỷ tới.
★ Trong khi đó, trong một báo cáo công bố ngày 12-9, các chuyên gia cho rằng, với các cam kết hiện nay của Oa-sinh-tơn, đến năm 2025 lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ giảm 17% so năm 2005, nhưng chỉ bằng hai phần ba mục tiêu Mỹ từng cam kết theo Hiệp định Pa-ri, trước khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.
★ Theo một báo cáo của LHQ, dự kiến công bố tháng 10 tới, sự nóng lên toàn cầu có thể vượt giới hạn là 1,50C, được đặt ra trong Hiệp định Pa-ri. Các nhà khoa học tính toán rằng, cần giảm khí thải toàn cầu trước năm 2020 để tránh những hậu quả nghiêm trọng của tình trạng trái đất nóng lên. Hồi đầu tuần, Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét nhắc lại cảnh báo, nếu thế giới không đảo ngược được tình trạng biến đổi khí hậu, loài người và toàn bộ hệ sinh thái tự nhiên sẽ phải gánh những hậu quả thảm khốc.