quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Khí hậu và môi trường 2021: Lẽ ra phải làm được nhiều hơn…

Thứ Năm, 06/01/2022 | 08:48:00 AM

Siêu bão Rai hết sức bất thường về cấp độ, hướng đi, và thời điểm trong năm vừa tàn phá nặng nề hai nước Đông Nam Á là Philippines và Malaysia. Ở Philippines, hơn 200 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải sơ tán. Ở Malaysia, mưa lớn gây lũ lụt được mô tả là “tồi tệ nhất trong 100 năm” khiến 8 người chết và 50.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

Trận bão với đường đi kỳ lạ và thảm khốc cuối năm như một lời nhắc nhở nữa về năm 2021 mà những gì giới lãnh đạo chính trị đã làm được để giảm nhẹ thiên tai do biến đổi khí hậu vẫn còn quá ít ỏi…

 
Một năm tai họa
 
Thiên tai bất thường đổ xuống Philippines và Malaysia là tình cảnh chung của nhiều nơi khác trên thế giới năm qua. Đức và Trung Quốc đều trải qua những trận lụt lịch sử, nhiều vùng ở châu Âu, Mỹ, và Úc bị cháy rừng trầm trọng kéo dài nhiều tháng. Hạn hán ở Đông Phi khiến mùa màng thất bát và gây ra nạn đói từ Kenya tới Madgascar…
 
 
 
Khí[-]hậu[-]và[-]môi[-]trường[-]2021:[-]Lẽ[-]ra[-]phải[-]làm[-]được[-]nhiều[-]hơn…
 
Ảnh: The New York Times
 
Những tai họa liên tiếp hầu hết trầm trọng hơn nhiều bởi biến đổi khí hậu.
 
Cơ chế khoa học của điều đó đang được hiểu rõ hơn mỗi ngày. Các đợt nắng nóng dữ dội và kéo dài hơn vì khí quyển Trái đất giờ đã ngợp trong khí thải do con người tạo ra. 
 
Sau khi giảm nhẹ vào năm 2020 do sự giảm hoạt động của con người vì COVID-19, khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính đã lại tăng mạnh vào năm 2021. 
 
“Có khả năng cao là chúng ta sẽ khiến Trái đất nóng thêm 1,5 độ C nữa ngay trong thập kỷ tới”, báo Anh Guardian dẫn lời nhà khoa học khí hậu Joeri Rogelj ở Đại học Imperial College London. 1,5 độ C là cột mốc sẽ “đẩy nhiều xã hội tới giới hạn cuối cùng” về mặt khí hậu, đặc biệt là các nước ven biển nhiệt đới và những vùng nắng nóng quanh năm như Trung Đông.
 
Với các trận lũ lụt, khí hậu nóng hơn sẽ khiến khí quyển tích nước nhiều hơn, băng tan nhanh hơn làm tăng độ ẩm không khí, điều đồng nghĩa phong ba và hồng thủy được dự báo sẽ xác lập các kỷ lục “chưa từng thấy” ngày một cấp tập. 
 
Khoảng 216 triệu người, chủ yếu ở các nước đang phát triển, sẽ buộc phải rời bỏ nhà cửa vì tác động của những hiện tượng thời tiết cực đoan cho tới năm 2050, theo một ước tính của Ngân hàng Thế giới, đi kèm là tổn thất của cải 23 nghìn tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
 
Cùng lúc, trong 20 năm qua, mực nước ngầm khai thác được với con người đã giảm với tốc độ 1cm mỗi năm. Có thể thấy điều này ngay ở Việt Nam, khi việc tìm các mạch nước ngầm đòi hỏi những giếng khoan ngày một sâu. Điều đó khiến trong ba thập kỷ tới, hàng tỉ người có thể sẽ thiếu nước sinh hoạt.
 
Khí hậu nóng lên làm tăng quy mô và cường độ các vụ cháy rừng cũng là dễ hiểu, khi mùa hè kéo dài và cây cối ít nước hơn. 
 
Các nhà khoa học ước tính ở mức nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C, khả năng xảy ra những vụ cháy rừng kiểu “Mùa hè đen” kinh hoàng ở Úc giai đoạn 2019 - 2020 sẽ tăng gấp bốn lần, và ở mức 3 độ C thì sẽ là chuyện thường tình. 
 
“Chúng ta chưa bao giờ chứng kiến khí hậu thay đổi nhanh như hiện giờ, tới mức chúng ta không còn hiểu được các tác động phi tuyến tính”, Katharine Hayhoe, nhà khoa học khí hậu ở Đại học Texas Tech, Hoa Kỳ, nói. “Có những điểm bùng phát trong hệ thống do con người xây dựng mà chúng ta thậm chí còn chưa biết”.
 
Một số câu hỏi như vậy cần phải suy nghĩ, theo Hayhoe, là sẽ ra sao nếu lũ lụt làm gián đoạn các tuyến đường cung ứng thiết yếu của một quốc gia? 
 
Sẽ ra sao nếu một trận siêu bão quét qua nhà máy sản xuất chip vi tính hàng đầu thế giới, được xây ở nơi trước giờ chưa có bão? 
 
Sẽ ra sao nếu một nửa thế giới phải tiếp xúc với những loài muỗi mang các bệnh nhiệt đới, vốn đang tiến dần về các vùng ôn đới khi khí hậu nóng lên?...

Nói nhiều hơn làm
 
Năm 2015, khi thỏa thuận Paris cột mốc được ký kết, 195 quốc gia chính thức cam kết hạn chế sự ấm lên toàn cầu “dưới xa” mức 2 độ C so với thời tiền công nghiệp, đồng thời “theo đuổi những nỗ lực” để đạt mục tiêu tham vọng hơn là 1,5 độ C. 6 năm qua, đã có một sự chuyển biến mới về nhận thức.
 
“Chúng tôi quả đã thấy sự dịch chuyển của các nước khác ủng hộ mục tiêu 1,5 độ C”, Reuters dẫn lời đại sứ Antigua và Barbuda tại Liên Hiệp Quốc, Aubrey Webson. 
 
Đảo quốc Caribe nhỏ bé này hiện là chủ tịch Liên minh các quốc đảo nhỏ, gồm 39 nước ở Thái Bình Dương và vùng Caribe có nguy cơ sẽ chìm xuống biển vì biến đổi khí hậu, nên là nhóm vận động quyết liệt nhất cho mục tiêu 1,5 độ C.
 
Tuy nhiên, ông Webson cũng ý thức được khó khăn của tình thế: “Tuyên bố và hứa hẹn mà không có triển khai thực tế thì chỉ là món bánh vẽ với các đảo quốc nhỏ chúng tôi”. 
 
Ông khẳng định động lực mới về mục tiêu 1,5 độ C, đã được nhấn mạnh ở các hội nghị từ G7 tới G20, và tất nhiên, Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow năm vừa qua, phải đi kèm hành động nhanh chóng và thiết thực.
 
Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết khí thải CO2 do con người tạo ra cần phải giảm 45% cho tới năm 2030 so với mức năm 2010, và giảm thành “net zero” (tức phát thải bằng với phần thu lại) vào giữa thế kỷ thì thế giới mới có cơ hội đạt mục tiêu 1,5 độ C. 
 
Tin tốt là hiện 90% nền kinh tế thế giới là ở các quốc gia đã đặt mục tiêu phát thải “net zero”, so với 68% vào năm 2020, theo zerotracker.net, một trang theo dõi các cam kết phát thải của bốn tổ chức nghiên cứu lớn về biến đổi khí hậu.
 
“Gần như toàn cầu giờ đã chấp nhận mục tiêu 1,5 độ C, đó là một bước tiến lớn”, Frank Rijsberman, tổng giám đốc Viện Global Green Growth (Tăng trưởng xanh toàn cầu) có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc, nói. 
 
Các cam kết được đưa ra dồn dập trước và trong Hội nghị COP26 tháng 11 vừa rồi. Hội nghị hai tuần cũng đi đến một thỏa thuận tăng gấp đôi ngân quỹ cam kết giúp các nước dễ tổn thương ứng phó với biến đổi khí hậu, “loại bỏ dần” điện than, và chấm dứt những khoản trợ giá “không hiệu quả” cho nhiên liệu hóa thạch.
 
Tuy nhiên, khác biệt về việc quốc gia nào phải gánh nhiều trách nhiệm hơn - cũng như phương pháp cụ thể để cắt giảm khí thải - đã khiến nỗ lực đạt tới mục tiêu 1,5 độ C thêm phức tạp. Mỹ và Trung Quốc đứng đầu gần như mọi bảng xếp hạng phát thải, dù nếu tính trên đầu người, thì Trung Quốc vẫn thấp hơn đáng kể.
 
Chuyên gia môi trường người Malaysia Meena Raman, vốn đã tham gia mọi hội nghị khí hậu lớn của Liên Hiệp Quốc từ năm 2007, nói câu hỏi cốt lõi chưa bao giờ là về mục tiêu 1,5 độ C, mà là làm sao để đạt được mục tiêu đó một cách công bằng, điều mà COP26 lại thất bại. 
 
Đó cũng là lý do khiến cựu chủ tịch IPCC, nhà hóa học người Anh Robert Watson, tỏ ra bi quan khi cho rằng mục tiêu 1,5 độ C “hiện khó đạt được hơn bao giờ hết”.
 
“Luận điệu chung của các chính trị gia là đồng ý, nhưng hành động thực sự của họ thì không”, Watson nói và chỉ ra rằng không lâu sau COP26, Trung Quốc và Ấn Độ đều yêu cầu các công ty mỏ tăng cường hoạt động để tăng sản lượng than vì thiếu hụt năng lượng trong nước. 
 
Ở Mỹ, Tổng thống Joe Biden cũng yêu cầu các công ty dầu mỏ và khí đốt tăng sản lượng để cân đối nhu cầu khi giá các mặt hàng này đột ngột tăng cao vào nửa cuối năm. Do đó, về khí hậu, với Watson, “2021 có thể tổng kết là một năm của nói mà không làm”. 

“Chúng ta đã xây dựng nên nền văn minh dựa trên một thế giới không còn tồn tại”, Katharine Hayhoe, nhà khoa học khí hậu ở Đại học Texas Tech, nói. Thế giới đã nóng lên khoảng 1,2 độ C so với thời tiền công nghiệp và các đại dương ước tính đã hấp thụ lượng nhiệt tương đương năm quả bom nguyên tử Hiroshima thả xuống nước mỗi giây.

 
Cho tới giờ, nền văn minh của con người hoạt động trong một dải nhiệt độ tương đối hẹp, ổn định. Nhưng việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và sản xuất nông nghiệp đã khiến “như thể chúng ta đang tạo ra một hành tinh khác”. Lần gần đây nhất Trái đất nóng như thế này đã là 125.000 năm trước. “Chúng ta đang tiến hành một thí nghiệm chưa có tiền lệ với hành tinh của mình”, vẫn là Hayhoe.

(CHIÊU VĂN / TTCT)

Lượt xem: 1407

Các tin khác

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

Thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

(22/03/2024 07:08:AM)

Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

(17/03/2024 06:53:AM)

Thúc đẩy chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước tại Việt Nam

(10/03/2024 07:49:AM)

Giảm dấu chân carbon - hướng tới net zero

(06/03/2024 04:46:AM)

Doanh nghiệp và xu thế chuyển đổi xanh

(21/02/2024 09:11:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE