quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Mai sau còn có vườn chim?

Thứ Năm, 26/05/2011 | 08:30:00 PM

Các vườn chim ở khu vực ĐBSCL có nhiều loại chim: Cò trắng, quắm đen, quắm trắng, bạc má, còng cọc, le le, cò ruồi, cò lửa...; đặc biệt có nhiều loại chim quý hiếm như giang sen, diệc mốc, gà đẩy... chỉ có tại các vườn chim ở miền Tây Nam Bộ.

 

Các sân chim này còn có hơn 150 loài thực vật thuộc 50 họ, 100 loài động vật và 15 loài bò sát sinh sống. Ấy nhưng, do tác động chủ yếu từ con người, các vườn chim từ Cần Thơ đến Cà Mau đang trong tình trạng không còn là nơi đất lành chim đậu...

 

Đủ kiểu săn bắt

 

Ngoài những tác động của thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới) khiến các loại cây trong những vườn chim gãy đổ, thì sự... quấy phá của con người là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ các vườn chim ở vùng ĐBSCL có nguy cơ bị xóa sổ.

 

Tại các vườn chim, nạn săn bắt trái phép diễn ra thường xuyên với nhiều hình thức: Bẫy chim, thuốc chim; kể cả chui vào tận sân chim để bắt, bẫy chim... Ngày nào thú săn bẫy chim trời chỉ dành cho phút giây tiêu khiển, thì giờ đây đang trở thành một nghề của nhiều người sống gần các vườn chim.

 

 

Còng cộc cố bám trên cây về tổ sau khi trộm bắt bị rớt lại.

 

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Thuyền  - chủ khu du lịch sinh thái vườn cò Bằng Lăng ở xã Thới Thuận (quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) kể: “Có hôm, gia đình tôi phải đi tháo gỡ những con cò bị mắc lưới. Tôi đã nhiều lần khuyên bà con xung quanh không nên bẫy cò và giải thích cho họ biết dùng lưới bắt cò là tiêu diệt động vật hoang dã, nhưng họ không nghe, vẫn thản nhiên bắt cò đem bán.

 

Ngoài việc bẫy cò, một số người dân còn dùng cả thuốc độc tẩm vào thức ăn rồi rải khắp bờ ruộng, cò ăn phải thức ăn tẩm thuốc độc, một số con chết tại chỗ, nhiều con bay về vườn thì đuối sức rũ cánh chết  nằm vất vưởng trên cây. Khi ấy gia đình tôi phải bưng thúng rảo quanh vườn để đi lượm xác cò”.

 

Ông Thuyền bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần báo với chính quyền địa phương về tình trạng bẫy cò. Chính quyền địa phương cũng cử người xuống ngăn chặn một vài lần, nhưng khi lực lượng này đi thì mọi chuyện vẫn như cũ”.

 

Còn anh Quách Thanh Hồng - chủ vườn cò Phước Chung ở xã Mong Thọ B (huyện Châu Thành, Kiên Giang) cho biết “Hiện nay, có nhiều cách săn bắt chim, cò. Ban ngày họ giăng những cái lưới chụp dài hàng chục mét, buộc cò mồi ở giữa để dụ những đàn cò bay về vườn hạ xuống bắt mồi rồi chụp cò.

 

Mỗi ngày 2 lần, khi cò bay đi kiếm ăn và bay về tổ là họ canh, chờ từng đàn bay vào tầm ngắm rồi giựt dây. Ban đêm, họ dùng máy cassette phát những tiếng kêu mô phỏng tiếng các loài chim. Khi nghe những âm thanh này, cò tưởng tiếng bạn tình gọi, bay đến và bị sập bẫy. Mình phản ánh thì họ cự lại”. 

 

 

Ổ cò trắng vừa bị trộm bắt đi hơn phân nửa. Ảnh: PHƯƠNG NGHI

 

Phá vỡ không gian bình yên

 

Ngoài tình trạng săn bắt chim, cò thì nạn phá rừng lấn đất để nuôi tôm sú tự phát và tình trạng dân nhập cư chiếm đất sân chim làm nhà cũng góp phần phá vỡ không gian bình yên của các vườn chim.

 

Khi khai phá mở rộng diện tích nuôi tôm sú, nuôi cua và các loài thuỷ sản khác, một số người... tranh thủ săn bắt các loài chim và các loại động vật khác sinh sống tại vườn chim.  Họ len lỏi sâu vào các sân chim săn bắt các loài động vật khác làm môi trường hệ sinh thái ngập mặn bị phá huỷ, bị biến đổi khiến các loài chim bỏ đi nơi khác, số lượng chim về trú ngụ giảm dần.

 

Điển hình như các sân chim Đầm Dơi, Chà Là, Cái Nước (Cà Mau)  - vốn là những sân chim lớn hình thành cách đây trên 50 năm, vào lúc cao điểm số lượng chim tại các sân chim này lên đến cả trăm ngàn con với khoảng 25 loài - nhưng nay chỉ còn vài loài với số lượng giảm đi rất nhiều.

 

Hay sân chim Bạc Liêu (Bạc Liêu) được xếp vào loại lớn nhất miền Tây Nam Bộ (trên 105ha), từ năm 2000 được Bộ NNPTNT xếp vào hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam để bảo tồn loài và bảo tồn nơi cư trú của các loại động vật; được tỉnh Bạc Liêu đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái vườn chim.

 

 

Tháp quan sát ở vườn cò Tân Long nhưng không bảo vệ được đàn cò.

 

Nhưng vài năm qua, ở khu vực vườn chim và xung quanh vườn chim này có nhiều hộ lấn đất đào ao nuôi tôm sú, lấn đất cất nhà trái phép. Vậy là điện thắp, máy quạt phục vụ nuôi tôm sú liền kề sân chim hoạt động liên tục nên đàn chim ở đây đã giảm đi đáng kể (giảm hơn 50% so với lúc cao điểm). Hay như các vườn cò Tân Long (huyện Thạnh Trị,  Sóc Trăng); Bằng Lăng (quận Thốt Nốt, Cần Thơ) tuy được xếp là điểm du lịch sinh thái kết hợp sông nước chợ nổi, song đang có nguy cơ bị xoá sổ.

 

Theo ghi nhận của chúng tôi từ Cần Thơ theo QL1A về hướng Sóc Trăng, tới thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), đi dọc dốc cầu Phụng Hiệp có  nhiều điểm bán chim. Sản phẩm này người bán cột thành từng xâu treo lủng lẳng trên cây. Còn từ vườn cò Tân Long đến QL1A cũng có gần chục quán nhậu treo bảng giới thiệu các món đặc sản: Cò bằm nhuyễn nấu cháo đậu xanh, cò rô - ti, cò khìa nước dừa... Càng có nhiều nhà hàng, quán nhậu với những món đặc sản chim, cò “chiêu đãi” thực khách, thì tình trạng săn bắt chim, cò càng diễn biến phức tạp!

Theo Phương Nghi

(Lao Động)

Lượt xem: 1113

Các tin khác

Tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định

(07/05/2024 06:52:AM)

Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhự

(25/04/2024 07:01:AM)

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE