quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Mô hình lợi ích kép: Rừng gỗ lớn

Thứ Ba, 27/01/2015 | 12:05:00 PM

Phát triển rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho các hộ gia đình, mà còn giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất… góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Hiệu quả kinh tế và môi trường của rừng gỗ lớn so với rừng gỗ nhỏ đã được nhiều mô hình thí điểm khẳng định, song loại rừng này vẫn chưa phát triển tương xứng với lợi thế.


Theo quan điểm của các chủ rừng, phát triển gỗ nhỏ (5 – 7 năm) đem lại hiệu quả kinh tế do có nguồn thu nhanh hơn, có thể sớm quay vòng đầu tư tiếp, thay vì chỉ nhận một lần thu nhập nếu phát triển gỗ lớn. Hơn nữa, thu hoạch từ rừng chồi cũng được người trồng rừng cho là hiệu quả hơn so với chờ khai thác gỗ lớn. Tuy nhiên, từ phân tích hiệu quả tài chính của hai phương án trồng rừng ở các địa phương như Yên Bái, Quảng Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Bắc Giang… cho thấy, phương án gỗ lớn có hiệu quả cao hơn so với phát triển rừng gỗ nhỏ. Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế Hoàng Văn Chúc cho biết, 300ha rừng keo và thông được trồng từ 15 đến 18 năm có trữ lượng lớn, sản lượng gỗ ước đạt 240m3/ha, trị giá 360 triệu đồng. Trong khi đó, một chu kỳ khai thác rừng trồng keo và thông cho gỗ nhỏ (bình quân 6 năm sẽ khai thác) chỉ đạt sản lượng 80m3, trị giá 60 triệu đồng. Việc trồng rừng gỗ nhỏ cũng đòi hỏi phải tái đầu tư chi phí giống, công trồng, chăm sóc ban đầu và có nguy cơ cháy cao hơn so với rừng gỗ lớn.

Hiệu quả kinh tế và môi trường của rừng gỗ lớn so với rừng gỗ nhỏ đã được nhiều mô hình thí điểm khẳng định. (Ảnh minh họa: Đại Biểu Nhân Dân)

Hiệu quả kinh tế và môi trường của rừng gỗ lớn so với rừng gỗ nhỏ đã được nhiều mô hình thí điểm khẳng định. (Ảnh minh họa: Đại Biểu Nhân Dân)

Việc thí điểm chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn tại 3 mô hình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng cho thấy, trữ lượng rừng, lượng tăng trưởng bình quân của rừng sau chuyển hóa cao hơn cấp gần 7 lần so với rừng gỗ nhỏ. Việc tỉa thưa mở rộng không gian dinh dưỡng tại thời kỳ rừng gỗ nhỏ sắp thu hoạch và tiếp tục trồng thêm đến chu kỳ khai thác (12 – 15 năm) đã giúp nâng trữ lượng rừng lên 300 – 350m3 và với mức giá bán các loại cây khai thác gỗ hiện nay, bình quân đạt 400 – 450 triệu đồng/ha/chu kỳ khai thác, hiệu quả kinh tế cao gấp 2,8 lần so với rừng gỗ nhỏ. Ngoài ra, kinh doanh rừng gỗ lớn cũng giúp giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng, do đó, giảm xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác, trồng lại rừng gây ra. Rừng gỗ lớn cũng có khả năng hấp thụ cacbon, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Tác dụng lớn nhất của phát triển rừng gỗ lớn là chủ động tạo nguồn nguyên liệu trong nước cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản nước ta. Thực tế, do diện tích rừng trồng ở nước ta hiện chủ yếu là rừng ngắn ngày, nên chấp lượng gỗ không cao, 80% được sử dụng làm nguyên liệu cho công nghiệp giấy. Chỉ một lượng gỗ nhỏ khai thác trong nước được sử dụng trong chế biến đồ gỗ nội thất và mỹ nghệ, cho thu nhập cao. Để đáp ứng nhu cầu chế biến gỗ, hàng năm các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ 70 – 80% gỗ nguyên liệu từ nước ngoài. Tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ trong giai đoạn 2009 – 2011 là 3.418,87 triệu USD, với tốc độ tăng bình quân hàng năm là 122%. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu đồ nội thất và mỹ nghệ của nước ta đều yêu cầu sản phẩm sản xuất từ gỗ được cấp chứng chỉ. Để có chứng chỉ này, bắt buộc phải là gỗ khai thác từ những nơi có chứng chỉ rừng; mà để được cấp chứng rừng thì phải là rừng gỗ lớn. Vì thế, để chủ động nguồn cung trong nước cho chế biến đồ gỗ nội thất và mỹ nghệ, không có cách nào khác, phải phát triển rừng gỗ lớn.

Lợi ích kinh tế và môi trường của rừng gỗ lớn cao, nhưng hiện nay đa số chủ rừng lại lựa chọn mô hình rừng gỗ nhỏ thay vì rừng gỗ lớn. Nguyên nhân do đa số người trồng rừng có thu nhập thấp, không đủ điều kiện tài chính để theo chu kỳ khai thác dài, cho gỗ lớn. Do có thu nhập thấp nên nhiều người trồng rừng cũng khó đáp ứng các điều kiện vay vốn của ngân hàng. Nếu tiếp cận được vốn vay, thì khoản vay cũng thấp hơn nhu cầu đầu tư, thời hạn vay ngắn hơn so với chu kỳ kinh doanh rừng, lãi suất cao… Điều này khiến họ phải khai thác gỗ khi đáp ứng được yêu cầu băm dăm và làm bột giấy để có thể trả lãi, vốn vay từ ngân hàng hoặc vay tư nhân.

Thực trạng quản lý rừng tại các địa phương cũng cho thấy, hầu hết người trồng rừng phải đối mặt với khó khăn trong việc bảo vệ cây trồng, nhất là khi đã đạt kích thước khai thác. Kẻ trộm thường chọn cây lớn để cắt, bỏ lại những cây nhỏ. Vì thế, người trồng rừng khai thác cây non để bảo vệ lợi ích của mình.

Sản xuất, kinh doanh rừng gỗ lớn đang là xu hướng trên thế giới và cũng là giải pháp quan trọng để thay đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp hiện nay. Để phát triển mô hình rừng cólợi ích kép này, theo các chuyên gia, cần thay đổi từ công tác quy hoạch, nghiên cứu giống mới, kỹ thuật lâm nghiệp, đến việc ban hành các chính sách về phát triển thị trường, xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị…

Theo Hải Thanh/ Đại Biểu Nhân Dân

Lượt xem: 2891

Các tin khác

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

Thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

(22/03/2024 07:08:AM)

Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

(17/03/2024 06:53:AM)

Thúc đẩy chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước tại Việt Nam

(10/03/2024 07:49:AM)

Giảm dấu chân carbon - hướng tới net zero

(06/03/2024 04:46:AM)

Doanh nghiệp và xu thế chuyển đổi xanh

(21/02/2024 09:11:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE