quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Qua miền di sản: Tiếng ‘kêu cứu’ từ lòng đất

Thứ Ba, 16/08/2011 | 02:19:00 PM

Sau loạt bài phản ảnh việc “Chảy máu di sản ở Huế”, Đất Việt đã nhận được nhiều đồng tình của độc giả. Nhiều bạn đọc cho biết không chỉ ở Huế, mà các tỉnh, thành phố khác cũng có tình trạng “chảy máu” di sản. Đất Việt tiếp tục theo đề tài này với loạt bài “Qua miền di sản”.

 

Nằm ở trung tâm vùng duyên hải miền Trung, Quảng Nam được mệnh danh là miền di sản vì nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều di tích độc đáo. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử và sự tàn phá của thiên nhiên, nhiều di tích đang bị xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí không ít trong số đó đã trở thành phế tích. 

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam, địa phương hiện có 256 di tích cấp tỉnh và 49 di tích cấp quốc gia. Trong đó, 4 di tích cấp quốc gia đang bị xâm hại; 121 di tích cấp tỉnh cần tu bổ cấp thiết; 89 di tích đã trở thành phế tích hoặc không còn dấu vết.

Còn đâu kinh đô Phật giáo

Từ thị trấn Hà Lam tới xã Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình), hỏi Phật viện Đồng Dương thì ai cũng biết. Nơi đây mang dáng dấp của kinh đô thời xa xưa. Theo khảo tả của H.Parmentier và L.Finot (thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ Đông Dương) trong 2 năm (1901 và 1902) Trung tâm Phật giáo Đồng Dương “là một cấu trúc dài 1.330m chạy dài theo hướng đông - tây.  Trong khu vực này, có đền thờ chính nằm ngay trong một vành đai hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m. Từ đó, một con đường dài 763m chạy tới một khu rộng hình chữ nhật (dài 300m, rộng 240m)”.

Phật viện Đồng Dương giờ chỉ còn phế tích.

Và cũng trong các lần khai quật khảo cổ học về sau, các nhà khoa học đã phát hiện và thống kê có 229 hiện vật, bao gồm: tượng Phật Thích Ca, tượng Bồ Tát, tượng La Hán, tượng Thiên Thần Hộ Pháp và có cả những tượng thần Siva; nhưng đẹp nhất, đặc sắc nhất và hoàn hảo nhất vẫn là tượng Phật Bồ Tát Tara (Laksmindra-Lokesvara) đứng bằng đồng cao 1,14m được phát hiện năm 1978, là đỉnh cao của nền nghệ thuật Đông Nam Á (hiện được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng). Sức ảnh hưởng của Phật viện Đồng Dương được đánh giá suốt hơn 5 thế kỷ tồn tại (875-1471), là trung tâm nghiên cứu, truyền bá Phật học có tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á.

Thế nhưng, phải mất rất nhiều lần vạch những bụi cây um tùm, chúng  tôi mới vạch được cây cối, tìm ra Tháp Sáng - dấu tích còn lại duy nhất của Phật viện Đồng Dương. Đó là một hình khối cao khoảng 5m, rộng 3m nhưng đã bị rêu phóng bám đen xì; tường gạch lở loét nham nhở được chống đỡ bởi những cây gỗ đã mục gốc. Xung quanh Tháp Sáng những bụi dây leo, những tán bạc hà, keo lá tràm đang dần lấn át. Hàng ngàn viên gạch cổ đã bị người dân lấy trộm về xây nhà từ lúc nào không ai hay.

Ông Trương Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc, cho biết: Phật viện Đồng Dương được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 2001, giờ chỉ còn phế tích thôi. Xã cố gắng gìn giữ những gì có thể bằng cách… chèo chống mấy cái cột, mà cũng cách đây 7-8 năm rồi. Không biết khi nào thì đổ. Mấy cái cột đổ là Tháp Sáng đổ, Phật viện chắc chỉ còn trong dĩ vãng...

Nhiều di tích đã trở thành phế tích

Rời Phật viện Đồng Dương, chúng tôi tìm về phế tích An Thái (xã Bình An, Núi Thành, Quảng Nam), chứng kiến sự sụp đỗ hoàn toàn của một di tích - vốn là niềm kiêu hãnh của người dân bản địa. Năm 1911, V.Pougier, một chuyên gia nghiên cứu người Pháp, phát hiện phế tích này. Tại đây, ông ta đã tìm thấy một tấm bia đá Chăm bằng sa thạch có chiều cao 100cm, rộng 48cm. Bia An Thái cũng là một trong những tấm bia Phật Giáo đầu tiên được tìm thấy tại Quảng Nam.

Từ trên đồi nhìn xuống, xung quanh phế tích được bao phủ bằng lớp lớp cây dại, gạch lởm chởm và rơi vãi khắp nơi trên mặt đất. Tại trung tâm của phế tích, các nhà khảo cổ đã phát hiện một chân móng, một mảng tường được xây bằng gạch Chăm. Sau chiến tranh, nhiều người phát hiện nên đào xới để tìm kiếm cổ vật và hầu hết các hiện vật có giá trị đã mất vĩnh viễn. Phế tích còn lại của di tích này chỉ là một số kiến trúc vỡ vụn như: Trụ sa thạch hình vuông có kích thước 110 x 25cm, 1/3 phần đầu trụ đã bị gãy; Đà cửa; mãnh vỡ yoni bằng sa thạch…

Cùng chung số phận, phế tích Phú Hưng tọa lạc trên một ngọn đồi thấp tuộc xã Tam Xuân, Núi Thành (Quảng Nam) cũng đã ngủ quên dưới lòng đất. Những năm 90 của thế kỷ trước, người dân đã đào tìm được rất nhiều hiện vật như tympan chạm thần Visnu, tượng nữ thần Lakshmi,  tượng voi…

Đặc biệt năm 1993, một tượng thần Kubera (thần Tài lộc) đã bị dân buôn đồ cổ mang vào TP HCM bán nhưng may mắn là Bảo tàng Quảng Ngãi thu giữ được và hiện đang trưng bày tại bảo tàng này. Vết tích những lần đào bới còn lại là những hố sâu tại đỉnh và xung quanh đồi, từ các hố này đã làm phát lộ từng lớp móng gạch cân đối xếp chồng lên nhau. Tuy nhiên, hiện phần lớn các phế tích không chỉ bị cây dại, dây leo xâm thực hủy hoại mà còn bị người dân tàn phá rất nhiều, có phế tích bị đào bới tìm hiện vật hoặc lấy gạch về lót đường, làm các công trình phụ...

Kỳ 2: Trùng tu hay xây mới?

Đoàn Nguyên

(Đất Việt)

Lượt xem: 1089

Các tin khác

Tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định

(07/05/2024 06:52:AM)

Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhự

(25/04/2024 07:01:AM)

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE