quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Thái Nguyên: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm nông nghiệp

Thứ Sáu, 19/05/2023 | 06:23:00 AM

Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên, hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và sự đa dạng văn hóa các dân tộc, Thái Nguyên đang khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

 

Bên cạnh phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tỉnh Thái Nguyên còn chú trọng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà, giúp cải thiện sinh kế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người nông dân. Thái Nguyên có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp, hấp dẫn du khách. Thái Nguyên còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, là vùng đất nổi tiếng với danh xưng “Đệ nhất danh trà”.

Nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tham mưu cho tỉnh tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các sở, ban, ngành, địa phương tích cực phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh và Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND ngày 04/4/2022 của UBND tỉnh quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022 - 2025, Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 28/10/2022 của HĐND tỉnh quy định một số nội dung, mức hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng thời, chủ động phối hợp thực hiện lồng ghép các nguồn lực từ Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Dự án số 06 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 để tập trung nguồn lực thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên.

Du khách trải nghiệm tại các HTX chè tại các địa phương. Ảnh: TĐ

Với thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, cây chè tại Thái Nguyên phát triển tốt và cho ra những sản phẩm trà thơm ngon nổi tiếng cùng chất trà đặc biệt. Thái Nguyên hiện nay có 6 vùng chè đặc sản gồm: Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), La Bằng (huyện Đại Từ), Trại Cài – Minh Lập (huyện Đồng Hỷ), Tức Tranh (huyện Phú Lương), Phú Ninh (huyện Định Hóa). Nhận thấy rõ được vị trí, vai trò của cây chè và văn hóa trà trong phát triển du lịch, tỉnh Thái Nguyên đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với các sản phẩm từ chè, văn hóa trà. 

Do đó, phát triển sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trà được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 với các sản phẩm như: Du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà; du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa trà; du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh gắn với văn hóa trà; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, MICE gắn với văn hóa trà; du lịch khám phá hang động, thể thao gắn với văn hóa trà.

Cụ thể, loại hình du lịch về nguồn gắn với văn hóa trà được triển khai tại các điểm đến như Khu di tích lịch sử quốc gia 60 Liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Khu di tích lịch sử quốc gia ATK Định Hóa, Không gian văn hóa Trà – vùng chè Tân Cương. Các tour du lịch sinh thái gắn với văn hóa trà kết nối Không gian văn hóa Trà – vùng chè Tân Cương với Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc. Tour du lịch văn hóa, cộng đồng đưa du khách tới Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải và trải nghiệm tại Không gian văn hóa Trà – vùng chè Tân Cương.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, hoạt động du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp, nông thôn đang từng bước được hình thành, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm như mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với văn hóa trà tại các vùng chè xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), xã La Bằng, xã Hoàng Nông (huyện Đại Từ), xã Tức Tranh (huyện Phú Lương); mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp với vườn cây ăn trái (vườn nho, dâu tây tại xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ); mô hình du lịch nông nghiệp gắn với cảnh quan sinh thái hồ Ghềnh Chè (thành phố Sông Công)…

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp sinh thái đang được các địa phương đẩy mạnh triển khai. 

Năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP. Thái Nguyên và huyện Võ Nhai tập trung xây dựng, phát triển 02 điểm du lịch cộng đồng; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát triển du lịch; hướng dẫn người dân khai thác những lợi thế của địa phương về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa gắn với những nét sinh hoạt đời sống hàng ngày của bà con; khai thác những lợi thế trong hoạt động nông nghiệp để phát triển du lịch cộng đồng; phát triển dịch vụ nhưng luôn chú trọng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, bảo đảm môi trường du lịch sạch, đẹp phục vụ khách du lịch

Tỉnh Thái Nguyên xác định phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới, với định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn bền vững. Theo đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm đặc sản sẽ tạo ra sản phẩm du lịch, phục vụ khách du lịch, từ đó du lịch sẽ kích cầu lại ngành nông nghiệp với việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân.  

Địa phương này sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển 5 điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, du lịch về nguồn theo Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ việc lập dự án, đầu tư hạ tầng, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, tập huấn, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch, hỗ trợ tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch.

Thời gian gần đây, du lịch nông nghiệp và nông thôn đã trở thành một hình thức du lịch mới ở Việt Nam. Đây là hình thức du lịch mang tính bền vững, giúp bảo tồn và phát triển nền văn hóa, lịch sử, truyền thống của một vùng đất. Đồng thời, du lịch nông nghiệp và nông thôn cũng giúp tăng cường sự đa dạng hóa ngành du lịch và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho người dân địa phương.

Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn còn mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương. Khi du khách đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động du lịch, họ sẽ chi trả cho các dịch vụ ăn uống, lưu trú và mua sắm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, du lịch cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho cộng đồng địa phương, từ hướng dẫn viên du lịch, đến những người lao động trong ngành sản xuất và chế biến nông sản và xuất khẩu nông sản tại chỗ.

Hồng Anh

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn

Lượt xem: 688

Các tin khác

Đắk Lắk: Du lịch thân thiện với voi

(18/03/2024 06:47:AM)

Côn Đảo sẽ kiên quyết: Nói không với đốt hàng mã tại các di tích

(08/03/2024 05:56:AM)

Lâm Đồng: xây dựng một môi trường du lịch xanh và bền vững

(26/02/2024 04:52:AM)

Bình Thuận: “Lá phổi xanh” trong lòng thị trấn

(23/02/2024 07:14:AM)

Về Đồng Tháp ngắm “Bình minh Tràm Chim”

(19/02/2024 05:49:AM)

Bình Phước: Vườn quốc gia Bù Gia Mập và ước mơ… xanh!

(19/02/2024 05:46:AM)

Thừa Thiên Huế đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, bền vững

(19/02/2024 05:44:AM)

Quảng Ngãi: Du Xuân khám phá rừng dừa nước Tịnh Khê

(16/02/2024 06:58:AM)

Phát triển du lịch xanh ở Khánh Hòa

(15/02/2024 07:12:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE