quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

XÂM PHẠM AN NINH MÔI TRƯỜNG LÀ MỘT KIỂU DIỄN BIẾN HÒA BÌNH

Thứ Năm, 09/12/2010 | 04:46:00 AM

Ngày nay, không cần huy động quân đội và vũ khí nóng, môi trường có thể được sử dụng như một loại vũ khí có thể làm suy kiệt thậm chí sụp đổ một quốc gia. Xâm phạm ANMT chính là một kiểu diễn biến hòa bình nguy hiểm nhất. Đã đến lúc bộ Tài nguyên Môi trường cần xem xét thành lập một Tổ chức nghiên cứu về An ninh Môi trường.

 
Nguyễn Đình Hòe,  VACNE
 
1.Các nghiên cứu chính thức về môi trường và an ninh xuất hiện đầu tiên từ những năm 1950,. Ngay từ năm 1977, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã thiết lập một Trung tâm Môi trường đầu tiên trên thế giới để đánh giá mối liên hệ giữa môi trường và an ninh. Cho đến nay, trên thế giới đã xuất hiện khoảng 50 Trung tâm, viện nghiện cứu về An ninh Môi trường (ANMT).Hơn 50 năm sau khi thành lập Trung tâm nghiên cứu về ANMT trực thuộc CIA, những tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh về Môi trường Thế giới tại Johannesburg (Nam Phi) năm 2002 đã đưa khái niệm ANMT lên một tầm quan trọng mới. Tuyên bố Johannesburg về Phát triển bền vững đã khẳng định mối liên kết chặt chẽ giữa Bảo vệ môi trường với xoá đói nghèo, với sự phồn vinh, an ninh và ổn định toàn cầu.Thể giới đã có trên nửa thế kỷ để phát triển và hoàn thiện vấn đề An ninh Môi trường và mối liên quan đến hòa bình và ổn định toàn cầu cũng như mỗi quốc gia. ANMT theo định nghĩa của Hội đồng Bảo an LHQ là: “Sự khan hiếm các tài nguyên thiên nhiên, suy thoái và ô nhiễm môi trường và những hiểm hoạ có thể gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, gia tăng bất ổn chính trị, thậm chí trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột và chiến tranh”. Báo cáo Thiên niên kỷ của Hội đồng Châu Mỹ của LHQ xác định: “ ANMT là việc đảm bảo an toàn trước các mối nguy hiểm môi trường sinh ra do sự yếu kém trong quản lý hoặc thiết kế và có nguyên nhân trong nước hay xuyên quốc gia” .
 
Sông Hồng cạn khô đầu năm 2010
2.Khi nhìn từ quan điểm ANMT, sự phát triển kinh tế làm giảm đói nghèo được xem là một chiến lược tốt. Bởi vì rõ ràng là nghèo đói nhiều trường hợp có liên quan chặt chẽ với việc suy giảm các dịch vụ hệ sinh thái do thiên nhiên cung ứng cho con người. Tuy nhiên, một báo cáo của tổ chức hợp tác - phát triển kinh tế Châu Âu (OECD) có tiêu đề Chi phí quân sự ở các nước đang phát triển: An ninh và Phát triển đã rất đúng khi tuyên bố, "an ninh cần thiết cho phát triển", nhưng "cội rễ gây ra bất an thường cũng là phát triển". Rất khó để thúc đẩy phát triển dưới những điều kiện suy thoái môi trường. Ví dụ, ngày nay các dòng vốn tư nhân đầu tư vào các nước đang phát triển lớn gấp 5 lần nguồn vốn ODA, và do đó chúng trở nên có tác động rất quan trọng đối với quá trình phát triển. Nhưng vốn tư nhân có xu hướng lẩn tránh các vùng môi trường bất ổn định với dịch vụ hệ sinh thái bị suy giảm mạnh. Tăng trưởng kinh tế nóng cùng với những yếu kém trong quản lý có thể làm cho môi trường mất đi khả năng duy trì những dịch vụ này. Mất mát các dịch vụ đó sẽ là sự mất mát nguồn vốn tự nhiên, tạo ra mối đe dọa cấp thiết đối với sự sống của cộng đồng và sự bền vững của nền kinh tế.
 
3. Các vấn đề môi trường có thể đe doạ hoà bình và ổn định bằng nhiều cách:
-         Những bất đồng giữa các quốc gia về phân chia tài nguyên thiên nhiên (ví dụ tài nguyên nước) hoặc về sự ô nhiễm xuyên biên giới có thể leo thang thành xung đột quân sự, và bằng cách đó đe doạ hoà bình và an ninh thế giới theo nghĩa kinh điển của vấn đề.
-         Suy thoái môi trường, thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên, sự đe doạ giảm tầng ôzôn và biến đổi khí hậu, sự phát triển không bền vững có thể đe doạ các phúc lợi nhân văn, rồi qua đó đe doạ đến hoà bình và an ninh quốc gia và thế giới.
-         Môi trường có thể được sử dụng như một thứ vũ khí trong chiến tranhhay hoạt động khủng bố (các loại vũ khí gen, vũ khí hóa học, vũ khí vi trùng, vũ khí thời tiết, vũ khí sinh vật xâm hại,…).
4.Môi trường trong bối cảnh thương mại hóa toàn cầu
Hiện nay, toàn cầu hoá là một động lực mạnh mẽ chưa từng thấy. Cao trào thương mại và đầu tư vào các ngành liên quan đến tài nguyên thiên nhiên (như lâm nghiệp, khai khoáng và phát triển dầu mỏ) đang đe doạ tới rừng, núi, các thuỷ vực và các hệ sinh thái nhạy cảm khác trên thế giới.Hàng nghìn loài thực vật và động vật, kể cả sinh vật biến đổi gen hiện đang “cắm rễ” chờ đợi ở các bờ biên nước ngoài.Đã có thời “các loài ngoại lai” nhanh chóng sinh sôi, lấn át các loài bản địa và gây tổn thất kinh tế. Thương mại thế giới cũng là một cơ chế tiềm ẩn để từ đó các sản phẩm và công nghệ nguy hiểm thông thương khắp thế giới...Tự do hoá các thị trường trên thế giới có thể là chìa khoá tăng trưởng kinh tế ở các nước giầu cũng như nước nghèo. Nhưng toàn cầu hoá không được phép diễn ra bằng giá của hàng ngàn nền văn hoá và truyền thống bản địa. Trong các nền văn hoá và phong tục của mình, các dân tộc bản địa đã gìn giữ một cách thiêng liêng những bí mật quản lý sinh cảnh và đất đai một cách thân thiện và bền vững với môi trường. Ông Klaus Toepfer (Giám đốc điều hành UNEP) nhận định trong khoá họp thứ 21 của Hội đồng quản trị UNEP: "Nếu mất đi các nền văn hoá, thì mối quan hệ khăng khít giữa nền văn hoá và thiên nhiên sẽ vĩnh viễn mất đi. Thế giới sẽ nghèo nàn đi nếu mất đi các nền văn hoá đó". Do vậy, bảo vệ nền văn hoá bản địa cũng là một trong những giải pháp ổn định ANMT.
Các nền văn hoá bản địa có các hệ thống kinh tế truyền thống, tác động tương đối ít đến Đa dạng sinh học, do họ có xu hướng sử dụng hợp lý tính đa dạng loài, thu hoạch từng loài với số lượng ít. Trong khi đó, thu hoạch thương mại lại chỉ nhằm vào một số ít loài để thu thập và nhân giống với số lượng lớn, làm biến đổi cấu trúc các hệ sinh thái. Các cộng đồng bản địa cố gắng phát triển tính Đa dạng sinh học trong địa phận họ sống và coi đó là chiến lược phát triển tính đa dạng về các nguồn tài nguyên theo cách lo toan riêng của họ, nhất là để giảm thiểu nguy cơ biến động về mức phong phú của từng loài. Theo tập tục, người dân bản địa thường dự báo "trừ hao" mức phong phú về các loài động thực vật, và bằng việc đánh giá thấp mức dư­ thừa của từng loài, họ đã giảm thiểu nguy cơ gây tổn hại tới các nguồn cung cấp thức ăn của họ.Do tri thức bản địa về các hệ sinh thái được tìm hiểu và cập nhật qua quan sát trực tiếp trên đất đai của họ, cho nên di chuyển họ ra khỏi mảnh đất của họ sẽ phá vỡ chu trình học hỏi kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Việc duy trì kinh nghiệm phong phú và tri thức truyền thống sẽ phụ thuộc vào việc sử dụng đất liên tục, giống nh­ư một lớp học và phòng thí nghiệm.
5.Các xung đột liên quan đến môi trường ngày càng gia tăng
Xung đột môi trường đang ngày càng diễn ra rộng khắp trên thế giới. Các phong trào đấu tranh đòi bình đẳng trong việc sử dụng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn môi trường sống như phong trào “Hoà bình xanh” đã trở thành phong trào chính trị. Xung đột môi trường bao gồm các vấn đề như: tranh chấp tài nguyên, dịch chuyển ô nhiễm và xâm lược sinh thái.Tranh chấp môi trường và tài nguyên đã và đang gây ra những xung đột nghiêm trọng về kinh tế, chính trị. Cuộc hội thảo ở Caen (1999) về Thông điệp hoà bình với tên gọi đầy ý nghĩa  - “cuộc chiến tranh về nước liệu có xảy ra không?”- đã một lần nữa cho thấy rằng nước là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra các xung đột hiện nay. Vấn đề sử dụng nước trong các khu vực mà sự phát triển kinh tế và xã hội hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn tài nguyên nhỏ nhoi nhưng lại bị khai thác quá mức đã trở nên hết sức căng thẳng, và nước đã trở thành vũ khí chiến lược vô cùng quan trọng, mục tiêu tranh giành giữa các quốc gia thượng lưu và hạ lưu sông. Tất nhiên, cuộc thảo luận sẽ không bao giờ khép lại được giữa những người coi nước là nguồn gốc của các xung đột, và những người vốn coi trọng “ngoại giao nước”, coi đây là một công cụ ngoại giao tuyệt vời để giải quyết xung đột và tranh chấp. Dù theo quan điểm này hay quan điểm khác thì thực tế vẫn chỉ là một: nước là trung tâm của các cuộc xung đột, trở thành một vũ khí đáng sợ, là một trong những thách thức đối với an ninh quốc gia và là con đường bắt buộc để phát triển. Trung Đông là một hình mẫu của những vùng mà ở đó nhà thuỷ văn học trở thành nhà ngoại giao hay nhà quân sự, tóm lại là nằm trong bộ máy quyền lực. Rõ ràng, một sự quản lý chung và việc phân chia các nguồn nước qua đàm phán là không thể tách rời với việc giải quyết các xung đột: sẽ không có hoà bình nếu không có phân chia hợp lý các nguồn nước, nhưng cũng không có được các giải pháp cho các nguồn nước nếu không có hoà bình. Hoà bình sẽ được thiết lập lâu dài khi mà một tổ chức về nước được thành lập để chịu trách nhiệm theo dõi việc áp dụng một tổng thể phức tạp nhưng cần thiết cho các hiệp ước về cung cấp và trao đổi giữa các quốc gia mà nước đã gắn liền số phận của họ với nhau.
 
6.Dịch chuyển ô nhiễm do đầu tư vào công nghiệp
Dịch chuyển ô nhiễm - là biểu hiện sự thoái thác trách nhiệm đối với vấn đề ô nhiễm môi trường của các nước phát triển bằng việc chuyển những xí nghiệp gây ô nhiễm, hay chất thải sang những nước phát triển. Các nhà khoa học môi trường gọi đây là tước đoạt sinh thái. Lấy ví dụ: tổng kim ngạch đầu tư công nghiệp ở nước ngoài có nguy hiểm tới môi trường của Mỹ chiếm 35% (đầu tư ở các nước đang phát triển); của  Nhật tới 65-75% (đầu tư ở các nước Đông Nam Á và Châu Mỹ La tinh). Gần 41% đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hoa Kỳ ở Philippines và 22% ở Colombia năm 1998 nằm trong ngành hoá chất. Các ngành công nghệ cao như máy tính điện tử cũng đang lan tràn trên toàn cầu những năm gần đây. Mặc dù, các ngành này, sớm nổi tiếng là tương đối sạch song vẫn phải đóng góp các chi phí đáng kể cho môi trường. Công nhân làm việc trong lĩnh vực bán dẫn tiếp xúc với các hoá chất như asen, benzen và crom, đều là tác nhân gây ung thư. San Jose, Liên minh về Chất độc ở Thung lũng silicon, California cho biết hơn một nửa các nhà máy chế tạo và lắp ráp máy tính có các quy trình sử dụng axit, các dung môi và các khí độc, được xây dựng ở các nước đang phát triển.
 
7. Trên thông tin đại chúng, có khá nhiều tài liệu cho thấy đã đến lúc các vấn đề ANMT ở nước ta cần được quan tâm kiểm soát trước khi quá muộn: suy kiệt và ô nhiễm nguồn nước các dòng sông cùng với sự tranh chấp nguồn nước giữa các địa phương và trên bình diện Quốc tế; đồng bằng sông Cửu Long khô kiệt trong mùa đáng lẽ phải có nước ròng; hàng trăm containers rác thải nguy hại chất đống ở cảng Hải Phòng chưa có cách gì xử lý; nhiều diện tích biển và đất liền cho các doanh nghiệp trong đó có nhiều doanh nghiệp nước ngoài thuê dài hạn (đến 50 năm) khiến người dân mất quyền mưu sinh trên ngay quê hương họ; hàng chục loài sinh vật ngoại lai nguy hại và cây trồng biến đổi gen đã xâm lấn vào lãnh thổ; khiếu kiện đông người về môi trường ngày càng căng thẳng; sự cố môi trường trong đó hạn hán, lũ lụt và sự cố công nghiệp ngày càng nghiêm trọng; tị nạn môi trường xuất hiện và khó kiểm soát; nghèo đói do môi trường xuống cấp và tài nguyên suy kiệt ngày càng gia tăng; nhập công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường và giảm hiệu quả kinh tế, trong khi vốn đầu tư lại gia tăng,…Nếu những vấn đề này được phân tích dưới góc độ An ninh Môi trường, có thể thấy rõ nhiều điều mà những phân tích môi trường thông thường không làm rõ được. Xâm phạm An ninh Môi trường cần được coi là một kiểu diễn biến hòa bình. Bộ tài nguyên và Môi trường cần sớm thành lập một Tổ chức đủ mạnh nghiên cứu về An ninh Môi trường. Trên thế giới đã từng có Chính phủ một Quốc gia hay chính quyền một thành phố sụp đổ chỉ vì rác. thậm chí có những nền văn minh bị hủy diệt vì biến đổi môi trường mà Biến đổi khí hậu là một trong những cảnh báo./.
Chú thích:
Tài liệu trong bài báo này được trích dẫn từ: Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh. Đảm bảo An ninh Môi trường cho Phát triển bền vững. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2010
 
 

Lượt xem: 2776

Các tin khác

Tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định

(07/05/2024 06:52:AM)

Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhự

(25/04/2024 07:01:AM)

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE