quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Cần phải siết chặt quản lý nhập khẩu phế liệu

Thứ Sáu, 14/09/2018 | 08:31:00 PM

(VACNE) - Vừa qua, GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng – Phó chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam được Tạp chí Môi trường yêu cầu viết Bài về tồn đọng các Container phế thải nhập khẩu ở các cảng và đề xuất giải pháp. Xin đăng tải bài viết của Giáo sư đã gửi đăng trong Tạp chí Môi trường.

CẦN PHẢI SIẾT CHẶT QUẢN LÝ NHẬP KHẨU PHẾ LIỆU

IT IS NEED TIGHTEN MANAGEMENT FOR THE IMPORTED SCRAPS

GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam

Phân loại chất thải rắn, lựa chọn các thành phần hữu ích chứa trong chất thải rắn công nghiệp và sinh hoạt ở trong nước để tái chế, tái sử dụng, làm nguyên liệu để sản xuất là một chủ trương hết sức đúng đắn, được ưu đãi, khuyến khích áp dụng ở nước ta cũng như ở hầu hết các nước trên thế giới. Bởi vì hoạt động này vừa có tác dụng BVMT, giảm thiểu chất thải rắn phải xử lý chôn lấp hay thiêu đốt, vừa mang lại lợi ích kinh tế lớn. Nhưng nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất thì trong thời gian qua chỉ có Việt Nam, Trung Quốc và một vài nước khác thực hiện. Bởi vì bản chất phế liệu cũng là chất thải rắn công nghiệp và sinh hoạt, dù đã được phân loại và chọn lọc, nhưng bao giờ nó cũng hàm chứa một phần nhiều hoặc phần ít chất thải ô nhiễm độc hại. Mặt khác khi sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thì trong quá trình sản xuất sẽ thải ra nhiều chất thải độc hại hơn.  Đơn giản như là khi nung luyện tái chế các lon bia, lon nước giải khát thì các hóa chất và kim loại nặng chứa trong lớp vỏ phủ sơn các lon nước giải khát này sẽ bị đốt cháy và phát sinh nhiều loại khí thải độc hại. Giấy phế liệu thường chứa nhiều hóa chất độc hại, như là mực in, keo gián và các chất đánh bóng. Đây là các hóa chất độc hại cần phải loại bỏ khi tái chế giấy. Nếu tái chế phế liệu giấy thành giấy trắng thì còn phải tẩy trắng phế liệu bằng hydrogen peroxide, hay chlorine dioxide,…Vì thế nước thải phát sinh từ tái chế giấy bằng phế liệu giấy sẽ chứa nhiều hóa chất độc hại hơn nước thải từ sản xuất giấy bằng nguyên liệu bột giấy. 

Trước tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở các cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất hiện nay, đặc biệt là ở các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, đồng thời hiện có hàng ngàn container phế liệu được nhập khẩu vào Việt Nam đang tồn đọng nhiều năm nay tại cảng biển Cát Lái và cảng biển Hải Phòng, đã làm cho rất nhiều người lo ngại rằng nước ta sẽ trở thành “bãi chất thải của các nước phát triển”.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam và các giải pháp quản lý tháng 8/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các Bộ liên quan tiếp thu ý kiến để ngăn chặn tốt hơn nữa tình trạng nhập phế liệu được đánh giá là nghiêm trọng, nhất là hàng ngàn container phế liệu nhập khẩu về đang tồn đọng tại các cảng biển.

1. Tình trạng nhập khẩu phế thải ồ ạt vào nước ta trong thời gian qua là đáng báo động

Theo số liệu của Tổng cục Môi trường thì mấy năm gần đây, nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất ở nước ta có xu hướng gia tăng mạnh. Tổng số các doanh nghiệp nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trên cả nước là 256 doanh nghiệp. Trong đó, số lượng doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu để trực tiếp phục vụ sản xuất là 153 doanh nghiệp (chiếm 59,76% tổng số doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu), số lượng doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác là 103 doanh nghiệp (chiếm khoảng 40,24%).

Năm 2016, khối lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu ở nước ta là 2,7 triệu tấn, năm 2017 đã tăng lên gần 2 lần là 5,2 triệu tấn; giấy phế liệu từ 338 nghìn tấn tăng lên gấp gần 4 lần là 1,3 triệu tấn; nhựa phế liệu còn tăng tới 5 lần, từ 18 nghìn tấn tăng lên 90 nghìn tấn. Thông qua việc nhập khẩu phế liệu này, nhiều sản phẩm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: máy móc, thiết bị lạc hậu cũ, hỏng, các loại nhựa phế thải hàm chứa hóa chất độc hại, các linh kiện điện tử phế liệu có chứa chất thải nguy hại… đã được nhập khẩu trái phép vào nước ta. Do việc nhập khẩu các loại phế liệu này thường đem lại lợi nhuận cao, nên các doanh nghiệp tìm mọi cách để lách luật, dùng những thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt các lực lượng chức năng quản lý, thậm chí, cố tình gian lận, vi phạm luật pháp, gọi là nhập khẩu phế liệu nhưng thực chất là nhập khẩu chất thải rắn công nghiệp và sinh hoạt.

Việc nhập khẩu phế liệu thời gian qua ồ ạt như vậy chính là do mua phế liệu rất rẻ tiền, đôi khi người ta còn cho không hoặc trả thêm chi phí để chuyên chở chất thải khỏi đất nước của họ, do lợi ích kinh tế lớn được mang lại như vậy mà các cơ sở sản xuất ở nước ta thời gian qua đã tạo ra sức ép lớn đối với nhà nước để nhập khẩu phế liệu ồ ạt làm nguyên liệu sản xuất.  Như mọi người đều biết, phế liệu thực chất là chất thải, tuy chúng  đã được phân loại, nhưng chúng đều chứa hoặc ít, hoặc nhiều chất ô nhiễm độc hại không thể tái chế được, cho nên đây là nguồn nguyên liệu rất rẻ tiền,  trước khi dùng nó làm nguyên liệu sản xuất cần phải thải bỏ các thành phần chất thải ô nhiễm chứa trong nó, đồng thời khi sản xuất bằng vật liệu phế liệu này sẽ thải ra rất nhiều chất ô nhiễm độc hại hơn. Vì vậy thực chất của việc nhập phế liệu làm nguyên liệu này không thể tránh được tình trạng “hy sinh môi trường chung để cơ sở sản xuất kiếm lời kinh tế”, thực tế có thể là “lợi bất cập hại”.

2. Nguyên nhân của nhập khẩu phế liệu ô nhiễm và sự tồn đọng hàng nghìn container phế liệu tại các cảng biển

Việc tồn đọng hàng ngàn container phế liệu tại cảng Cát Lái và cảng Hải Phòng hiện nay là vấn đề hết sức bức xúc và nghiêm trọng về mặt môi trường. Tình trạng này không những cản trở, làm mất khả năng giao thông vận tải thông thoát của cảng mà việc ứ đọng các chất ô nhiễm như vậy là tiền đề biến nước ta thành bãi rác của các nước phát triển, để lâu dài là vấn đề ô nhiễm rất nghiêm trọng đối với môi trường.

Nguyên nhân trước hết có thể đây là sự yếu kém của công tác quản lý của các cơ quan chức năng nhà nước, sự sơ hở của các quy định pháp luật đã ban hành, bởi vì sự việc này đã kéo dài nhiều năm nay, các cơ quan thông tin đài báo đã lên tiếng báo động nhiều lần rồi, nhưng cơ quan quản lý nhà nước rất trì trệ giải quyết vấn đề.  Bên cạnh đó là việc thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất trong việc nhập khẩu các phế liệu không đúng quy định, khi kiểm tra không được thông quan hàng hóa thì trốn tránh bỏ hàng tại cảng .

Việc đầu tiên và quan trọng nhất là kiểm soát việc cấp phép nhập khẩu phế liệu. Việc cấp phép hiện nay đang quá dễ dàng và có nhiều sơ hở.  Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, các Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương cũng cấp phép là khó kiểm soát. Chỉ nên có Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thì đúng hơn.

Tuy nhiên, cũng để tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất ở miền Nam không tốn thời gian và tiền bạc trong việc xin giấy phép thì có thể đưa ra cơ chế để Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng được cấp phép. Như vậy chúng ta sẽ chỉ có 2 nơi được cấp phép nhập khẩu phế liệu, có thể giảm nguy cơ về việc nhập khẩu phế liệu ồ ạt như trong thời gian vừa qua.

Song song với đó, việc cấp phép nhập khẩu phế liệu cũng cần hết sức thận trọng bởi thời gian qua đã có hiện tượng cấp phép cho những cơ sở “ma”, cơ sở không có nhu cầu thực tế, cũng như không phải là cơ sở sản xuất. Như vậy, thực chất là cấp phép cho một số doanh nghiệp đi buôn bán phế liệu để kiếm tiền lời.

Đồng thời, việc ký quỹ nhập khẩu phế liệu cũng không chuẩn xác, việc ký quỹ hiện nay thực hiện lúc thông quan hàng hóa tại cảng (tức là lúc hàng hóa phế liệu đã nhập về kho bãi của cảng biển rồi), ký quỹ như vậy là hoàn toàn sai lầm. Bởi vì, nếu cơ sở mong manh biết được các container phế liệu của mình không bảo đảm đúng quy định, hải quan kiểm ra sẽ bị xử phạt và không cho thông quan, thì họ sẽ không nộp tiền ký quỹ nhập khẩu nữa và tìm cách trốn trách, bỏ hàng tồn đọng tại cảng.

Theo quy định của Quyết định 73/2014/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ thì các sở TN&MT có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về mặt BVMT, tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về BVMT của các cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất. Nhưng thực tế các sở TN&MT rất yếu kém và không hoàn thành trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về mặt BVMT đối với các cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất. 

Trong Quyết định 73/2014/QĐ-TTg và Thông tư số 41/2015/BTNMT có 1 số vấn đề quy định không có tính khả thi. Đó là việc phế liệu trong quá trình sản xuất công nghiệp và sinh hoạt thải ra thì bao giờ cũng đi kèm với những chất thải ô nhiễm trong nó. Không thể có phế liệu giống như nguyên liệu thực sự được.

Cụ thể là trong Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ và Phụ lục 1 của Thông tư 41/2015/BTNMT cho danh mục phế liệu được phép nhập khẩu thì cũng quy định những loại phế liệu rất thuần chất, không phù hợp với tình hình thực tế. Thí dụ, như phế liệu nhựa thì phải là phế liệu nhựa và mảnh vụn từ polymer etylen, phế liệu nhựa và mảnh vụn từ polymer stylen, phế liệu nhựa và mảnh vụn từ polymer vinyl clorua, …  thực tế thì không thể có chuyện chất thải lại phân loại ra được thuần chất chi tiết như vậy. Cũng tương tự như vậy, phế thải sắt thép cũng quy định phân ra phế liệu và mảnh vụn gang, phế liệu mảnh vụn thép không rỉ, phế liệu và mảnh vụn đồng, nicken, nhôm, kẽm, thiếc… Trên thực tế những phế liệu này ở nước họ nếu thực sự đã được phân loại thuần chất theo đúng quy định của Việt Nam như vậy thì chắc chắn là họ dùng để tái chế, tái sử dụng trong nước họ, không bán cho nước ta đâu.

Chính vì vậy, việc nhập khẩu phế liệu của chúng ta đã bị lợi dụng bởi nhiều nước là họ đổ thải. Nhiều cơ sở sản xuất mua những loại phế liệu không phải là mua mà là nhận hàng phế thải từ các quốc gia đổ thải, không những không mất tiền mua mà có khi còn được họ trả tiền chi phí vận chuyển.

Bên cạnh đó, trong văn bản pháp quy về nhập khẩu phế liệu của nước ta có điều quy định không khả thi, cụ thể là nếu trong trường hợp các container phế liệu nhập về không đủ điều kiện thông quan hàng hóa phế liệu thì cơ quan chức năng có quyền đưa ra quyết định yêu cầu tái xuất, thực tế thì đây là biện pháp không khả thi. Bởi vì không có quốc gia nào đã xuất khẩu rồi lại nhập lại những lô hàng phế liệu này, còn trong trường hợp tái xuất sang các quốc gia khác thì cũng không thể thực hiện được bởi vì cũng không có nước nào chịu nhập khẩu mặt hàng chất thải này do nước ta tái xuất sang cho họ.

Chính những quy định không mang tính khả thi, không thực tiễn của cơ quan quản lý nhà nước đặt ra, kết hợp với ý thức “hy sinh môi trường để kiếm lời kinh tế” của một số cơ sở sản xuất mà đã nảy sinh ra hiện tượng ứ đọng hàng ngàn các container phế liệu tại cảng Cát Lái và cảng Hải Phòng trong thời gian vừa qua.

3. Đề xuất các giải pháp

3.1. Trước hết là cần phải nhanh chóng giải quyết vấn đề hàng nghìn container phế liệu đang tồn đọng ở cảng Cát Lái và cảng Hải Phòng:

Trước hết là Hải quan, Tổng cục Môi trường và các cơ quan quản lý có liên quan khác cần phải hợp tác kiểm điểm xem vì sao lại xảy ra hiện tượng tồn đọng hàng nghìn container phế liệu tại cảng như vậy, ai là chủ sở hữu của các container tồn đọng đó? và các container nào không có chủ sở hữu?, vì sao?.

Quá trình xử lý vấn đề này trong thời gian qua là quá trì trệ, bởi vì hiện tượng tồn đọng các container phế liệu này đã tồn tại nhiều năm. Vấn đề này cần phải kiểm tra, kiểm điểm nghiêm túc để xác định nguyên nhân để kịp thời sửa chữa, cũng như tìm ra giải pháp một cách khả thi phù hợp với tình hình kinh tế cũng như vẫn bảo đảm BVMT.

Các phế liệu nhập khẩu đều có ít hoặc nhiều chất bẩn chứ không phải hoàn toàn là chất bẩn ô nhiễm. Như vậy, nói chung chúng ta có thể chọn lọc ra để lấy nguyên liệu tốt phục vụ sản xuất, nhưng phải có biện pháp triệt để xử lý chất thải ô nhiễm chứa trong phế liệu đó.

Vì vậy, nếu xác định được chủ sở hữu thì giao cho các cơ sở sản xuất là chủ sở hữu đó phải nộp phạt và có trách nhiệm xử lý các container chất thải vi phạm đó, đồng thời giao cho Sở TN&MT địa phương theo dõi kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất này trong quá trình họ xử lý và sử dụng phế thải này trong sản xuất, yêu cầu họ phải xử lý chất thải một cách an toàn theo đúng quy định về bảo BVMT. Đối với các container tồn đọng vô chủ sở hữu thì cơ quan quản lý nhà nước để xẩy ra tình trạng vô chủ như vậy phải có trách nhiệm xử lý sao cho an toàn môi trường.

3.2. Rà soát, chỉnh sửa các văn bản pháp luật có liên quan để siết chặt các quy định về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất:

+ Giảm bớt đầu mối cấp phép cho nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất;

+ Chỉ cấp phép cho các cơ sở thực sự có nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, đồng thời là cơ sở sản xuất đó phải có đủ điều kiện xử lý ô nhiễm bảo đảm an toàn môi trường, khi sử dụng phế liệu.  Hết sức thận trọng trong việc cấp phép nhập khẩu phế liệu để tránh xảy ra hiện tượng cấp phép cho những cơ sở “ma”, cơ sở không có nhu cầu thực tế, cũng như không phải là cơ sở sản xuất.

+ Bỏ quy định cho phép cơ sở nhận ủy quyền nhập khẩu phế liệu (thực chất là phải cấm nhập khẩu phế liệu để bán kiếm lời);

            http://vea.gov.vn/vn/tintuc/tintuchangngay/PublishingImages/luc-luong-canh-sat-moi-truong-phoi-hop-voi-hai-quan-phat-hien-va-xu-ly-cac-truong-hop-nhap-rac-thai-tai-canganh-mh.jpg

+ Yêu cầu ký quỹ nhập khẩu phế liệu cũng cần có sự thay đổi, việc ký quỹ hiện nay thực hiện lúc thông quan hàng hóa tại cảng là sai lầm. Các cơ sở sản sản xin phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cần phải ký quỹ nhập khẩu phế liệu ngay từ khi xin cấp phép và đối với từng gói hàng nhập khẩu phế liệu. Nếu xẩy ra trường hợp nhập hàng hóa phế liệu vi phạm hay không phù hợp với quy định của pháp luật thì cơ quan quản lý cần xử lý ngay bằng tiền ký quỹ đó, chứ không để container phế liệu tồn đọng kéo dài tại các cảng như hiện nay.

3.3. Giảm dần và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuât:

Phân tích đến cùng thì việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuât có nguy cơ “biến nước ta thành bãi rác của các nước phát triển”, “lợi bất cập hại”. Vì vậy cần đẩy mạnh khuyến khích các cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu công nghiệp và sinh hoạt trong nước làm nguyên liệu sản xuất, phát triển công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải rắn trong nước, để giảm dần và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất từ nước ngoài. Luật BVMT năm 1994 và luật BVMT năm 2004 của nước ta trước đây đều quy định cấm nhập khẩu phế liệu (chất thải rắn). Vì vậy trong thời gian tới khi sửa đổi luật BVMT năm 2014 thì nên bỏ hẳn Điều 76. Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu.

Lượt xem: 1578

Các tin khác

Miền Bắc bước vào đợt nắng nóng gay gắt

(26/04/2024 06:46:AM)

Ngày Quốc tế Trái đất 2024: Đối đầu của hành tinh với nhựa

(24/04/2024 07:28:AM)

Ninh Bình: Chim hoang dã bay rợp trời trong khu du lịch Thung Nham

(23/04/2024 06:10:AM)

Chủ đề Ngày Trái đất 2024: Đối đầu của Hành tinh với Nhựa

(18/04/2024 07:27:AM)

Bến Tre: Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng

(13/04/2024 04:52:PM)

Vàng ròng tín chỉ carbon

(08/04/2024 07:45:AM)

Đồng Nai quyết tâm giảm phát thải carbon

(05/04/2024 07:30:AM)

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh, nhiệt độ giảm mạnh

(04/04/2024 06:43:AM)

Thừa Thiên Huế: Tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững

(02/04/2024 07:29:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE