(VACNE) - Đa dạng Văn hóa-Sinh học (Bio-cultural diversity) là một khái niệm mới, bao gồm Đa dạng sinh học (bio-diversity) và Đa dạng văn hóa (cultural diversity).
Hai lĩnh vực này được hình thành và liên kết chặt chẽ với nhau trên cơ sở tương tác giữa con người với thiên nhiên và môi trường trong quá trình phát triển của nhân loại từ hằng ngàn đời nay.
TÓM TẮT
Đa dạng Văn hóa-Sinh học (Bio-Cultural Diversity) là một thuật ngữ mới,bao gồm Đa dạng sinh học và Đa dạng văn hóa. Nguồn tài nguyên sinh học và văn hóa ở Việt Nam nói chung và trên dãy Trường Sơn nói riêng rất phong phú và đa dạng, nhưng nó đang bị suy giảm và từng phần bị biến mất.
Người dân trên dãy Trường Sơn chủ yếu là các dân tộc thiểu số, đã sinh sống ở đây từ rất lâu đời. Nhờ có nguồn tri thức bản địa phong phú và truyền thống văn hóa đa dạng thể hiện trong các Hương ước và Luật tục của cộng đông các dân tộc ở dãy Trường Sơn nên đã góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên sinh học ở nơi họ sống rất hiệu quả.
Sự bảo tồn và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên trên dãy Trường Sơn là sự bảo đảm vững chắc cho an toàn môi trường không chỉ ở Việt Nam, mà cả các nước trong lưu vực sông Mekong nói chung.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Đa dạng Văn hóa-Sinh học (Bio-cultural diversity) là một khái niệm mới, bao gồm Đa dạng sinh học (bio-diversity) và Đa dạng văn hóa (cultural diversity). Hai lĩnh vực này được hình thành và liên kết chặt chẽ với nhau trên cơ sở tương tác giữa con người với thiên nhiên và môi trường trong quá trình phát triển của nhân loại từ hằng ngàn đời nay.
Ngày nay, thế giới đang đối mặt với những thách thức trong việc bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên sinh học. Đồng thời, tri thức truyền thống ở nhiều nước đang phát triển cũng đang biến mất một cách nhanh chóng.
Sự hiểu biết, thừa nhận, đánh giá và bảo tồn tri thức bản địa liên quan đến Đa dạng sinh học (ĐDSH) trên dãy Trường Sơn là việc làm quan trọng, cần được tiến hành khẩn cấp trước khi nó biến mất vĩnh viễn, đặc biệt trong bối cảnh tác động của sự biến đổi khí hậu đang diễn ra.
Việc này còn góp phần huy động được sức mạnh của văn hóa truyền thống, các phong tục tập quán, Hương ước và Luật tục liên quan mật thiết đến sinh kế của cộng đồng, đến bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên sinh học, kể cả các lĩnh vực quản lý rừng, canh tác nông, lâm, ngư nghiệp, cây lương thực, cây lấy gỗ, cây thuốc và chăm sóc sức khỏe cộng đồng,… Nó góp phần trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ngay tại các cộng đồng có nhiều người nghèo nói chung và trên dãy Trường Sơn nói riêng, giúp họ tự tìm ra cách thức thoát nghèo một cách bền vững.
Đa dạng Văn hóa-Sinh học là bộ phận cấu thành của nền văn minh nhân loại. Nó không chỉ được coi như một phần quan trọng của di sản thế giới mà còn là cơ sở cho sự phát triển của xã hội con người hiện tại. Ở thế kỷ này chúng ta đang chứng kiến sự toàn cầu hóa nhanh chóng và sâu rộng của nền kinh tế thị trường, ngay cả trong các cộng đồng nông thôn và miền núi.
ĐÔI NÉT VỀ DÃY TRƯỜNG SƠN
Dãy Trường Sơn chạy dài 1.100 km, với diện tích hơn 22 triệu ha (khoảng 15% diện tích quốc gia), tiếp giáp với địa phận 21 tỉnh của Việt Nam, từ Nghệ An tới Đồng Nai về phía Đông và hai nước CHDCND Lào và Campuchia về phía Tây.
Nó như cái xương sống của ba nước trên bán đảo Đông Dương. Dãy Trường Sơn được chia thành hai phần chính: Bắc Trường Sơn (từ sông Cả tới núi Bạch Mã) và Nam Trường Sơn (từ núi Ngọc Linh tới tận cùng của dãy ở phía Đông Nam).
Do điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp nên hệ thực vật và động vật ở đây rất đặc trưng và khác biệt với các vùng khác trong cả nước. Theo đó, hệ thống rừng trên dãy Trường Sơn cũng có 2 kiểu là ‘Rừng thường xanh nhiệt đới gió mùa’ trên núi đá vôi cac-tơ/đá gra-nít, và ‘Rừng cây họ Dầu, rừng Thông với hệ sinh thái trảng cỏ (savan) khô’.
Dãy Trường Sơn còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số ở Đông Dương, một trong những cái nôi của nền văn hóa bản địa, không chỉ quan trọng đối với Việt Nam mà cả thế giới.
Truyền thống văn hóa của người Tây Nguyên gắn bó với rừng. Đời sống của con người ở đây từ khi sinh ra cho đến khi mất đều gắn với rừng, nó tạo ra mối quan hệ tương hỗ, sống hài hòa với núi rừng, luôn có ý thức bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên rừng.
Ví dụ: Khi người ta phải đốt rừng làm rẫy nhưng không đốt tràn lan, mà có sự chọn lọc; du canh du cư không phải là đi luôn, mà sẽ quay trở lại khi đám nương rẫy ấy phục hồi. Săn bắt thú rừng nhưng không bao giờ bắt con có chửa hoặc con non, vv.
ĐIỂM QUA VỀ TÀI NGUYÊN SINH HỌC TRÊN DÃY TRƯỜNG SƠN
Bò tót
Mặc dù chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhưng các nhà khoa học đã biết ở phần Bắc dãy Trường Sơn có khoảng 115 loài động vật có vú, 416 loài chim, 87 loài bò sát lưỡng cư, 119 loài cá nước ngọt và 760 loài động vật không xương sống.
Trong đó, có những loài đáng chú ý như Hổ (Panthera tigris), Bò tót (Bos gaurus), Voi (Elephas maximus), Voọc đen má trắng(Trachypithecus francoisi), Mang lớn(Megamuntiacus vuquangensis), Sao la(Pseudoryx nghetinhensis) là một loài mới, Voọc Hà Tĩnh(Trachypithecus francoisi hatinhensis), Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), vv. Có nhiều loài đặc hữu gồm 25 loài động vật có vú, 23 loài chim, 17 loài bò sát lưỡng cư và 9 loài cá.
Sao la
Về thực vật: Ở phần Bắc dãy Trường Sơn có khoảng 1.500 loài, nhiều loài cho gỗ quý như Giáng hương (Pterocarpus macrocarpus), Gõ đỏ hay Cà te (Afzelia xylocarpa), Gụ mật (Sindora siamensis), Sao đen (Hopea odorata ), Dầu rái (Dipterocarpus alatus), Cẩm liên (Shorea siamensis), vv. Trong đó có 24 loài đặc hữu.
Đa dạng sinh học ở phần Nam dãy Trường Sơn cũng rất phong phú, nơi có những ngọn núi cao như Ngọc Linh (2558m), Chư Yang Sin (2405m) và nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và cảnh quan. Theo số liệu điều tra, về động vật đã biết 119 loài có vú, 375 loài chim, 172 loài bò sát lưỡng cư, 70 loài cá nước ngọt. Trong đó, có 38 động vật có vú được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007).
Về thực vật, ở khu vực này có 3.600 loài, có nhiều loài đặc hữu, 32 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007). Trong đó, những loài có giá trị cao như Sâm ngọc linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.), hoặc Trầm hương (Aquilaria sp.), vv. Nhất là những kinh nghiệm về sử dụng cây thuốc trong các cộng đồng dân tộc ở Tây Nguyên rất quan trọng và là nguồn tài nguyên phi vật thể vô giá. Ví dụ bài thuốc “Amakong” ở Đắk Lắk, hoặc bài thuốc tránh thai của người Vân Kiều ở Quảng Bình, v.v.
CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ GÓP PHẦN BẢO TỒN ĐA DẠNG VĂN HÓA-SINH HỌC TRÊN DÃY TRƯỜNG SƠN
Từ hằng ngàn năm nay, dãy Trường Sơn là nởi sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số như Cơ Tu, Xê Đăng, Giẻ Triêng, Co, Chăm, Ê Đê, Ma Na, M’Nông, Ma, Hrê, Raglai, Chơ Ro, Cơ Ho, v.v.
Khoảng ba thập niên trước đây, nhiều nhóm người dân tộc từ vùng núi phía Bắc gồm người Thái, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu và Mường … đã di cư tự do vào Tây Nguyên. Mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số đều có văn hóa truyền thống riêng về bảo tồn tài nguyên sinh học. Nhờ đó mà nhiều giá trị về ĐDSH đã được lưu giữ vững bền.
Dưới đây là một vài ví dụ cho thấy vai trò của văn hóa/tri thức truyền thống đối với việc bảo tồn ĐDSH ở Tây Nguyên:
Văn hóa truyền thống của người M’Nông và sự quản lý ĐDSH ở dãy Trường Sơn
Cùng với một số cộng đồng người dân tộc thiểu số khác, người M’Nông sống ở khu vực Hồ Lắc (tỉnh Đắk Lắk) từ lâu đời. Văn hóa bản địa của họ rất đa dạng và phong phú, những Hương ước và Luật tục của họ đã góp phần có hiệu quả trong việc bảo tồn nguồn tài nguyên sinh học nơi họ sinh sống.
Một trong những điều quy định của người M’Nông là bảo vệ nguồn nước và rừng đầu nguồn được gọi là ‘Yang Bri’, bởi nó có sức mạnh siêu nhiên, rất quan trọng cho sự tồn tại của cộng đồng bản địa.
Nguồn nước không chỉ liên quan đến cung cấp nước sinh hoạt cho con người mà còn cung cấp cá, tôm, cua, ốc làm thức ăn cho buôn làng: “Bắt con ếch phải chừa con mẹ, bắt con cá phải chừa con mẹ, chặt cây tre phải chừa cây con, đốt tổ ong phải chừa ong chúa” (Luật tục M’Nông – nguồn: N.Đ. Hòe)
Mọi hoạt động của con người không được làm tổn hại đến rừng như chặt cây, đốt rừng đều bị nghiêm cấm. Cũng vì vậy, người M’Nông đã biết cách quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ một cách bền vững.
Luật tục Ê đê về bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước
Người Ê Đê cũng ở cùng khu vực với người M’Nông nói trên. Mục 231 của Luật tục Ê Đê ghi “ Không có nước con người không sống được, cây bờ suối không được chặt trụi, cây đầu nguồn không nên chặt phá. Mất cây rừng sẽ gây hạn hán, mất cây rừng sẽ gây ra lũ lụt...”
Mục 232 viết “Không được chặt cây to, hoặc phá rừng già để làm nương rẫy. Khi một cây to bị chặt, phải giữ lại các cây nhỏ mọc ở xung quanh và phải trồng lại 7 cây khác. Làm như vậy thì rừng sẽ được bảo tồn mãi mãi”. Và “Cây trong rừng đã có từ lâu đời. Đó là di sản của tổ tiên để lại. Bảo vệ cây rừng đồng nghĩa với bảo vệ buôn làng, nương rẫy, sông suối, bảo vệ động vật và cuộc sống của con người. Ai phá hoại rừng sẽ bị trừng phạt nặng.
Câu chuyện về Vua Voi ở Bản Đôn
Buôn Đôn nằm bên bờ sông Srepok, thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk. Nơi đây có sự đa dạng văn hóa phong phú, là điểm du lịch sinh thái nổi tiếng, với chuyện săn bắt và thuần dưỡng Voi của Ama Kông. Ông có tên khai sinh là Y Prung Êban, dân tộc M’Nông, sinh năm 1910 tại bản Đôn, là cháu của "vua săn voi" Khun Ju Nốp.
Ông đã đi vào cõi vĩnh hằng ngày 3/11/2012, hưởng thọ 103 tuổi. Ông còn được gọi là vua voi Ama Kông, vì đã săn được 298 con voi – một huyền thoại về người săn voi số một ở Việt Nam. Ông có 4 người vợ (bà thứ tư kém ông 58 tuổi), 21 người con, 118 cháu và chắt.
Ông từng có nhiều đóng góp cho cách mạng (dùng voi vận chuyển vũ khí, lương thực cho bộ đội, đưa bộ đội qua sông, ủng hộ lương thực, thực phẩm cho kháng chiến …), nên đã được Nhà nước ta tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
Ama Kông không chỉ nổi tiếng trong việc săn bắt voi mà còn nổi tiếng bởi bài thuốc gia truyền “Thuốc Ama Kông” được thừa kế từ bố vợ là Y Thu Knul. Bài thuốc có tác dụng bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực, chữa đau nhức xương khớp, đặc biệt là tác dụng nâng cao “bản lĩnh đàn ông”, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bản quyền bảo hộ thương hiệu. Ngôi nhà của ông Ama Kông nằm ở buôn Trí A, xã Krông Na, một địa điểm mà bất cứ du khách nào cũng muốn thăm quan khi đến Buôn Đôn.
Đó là ngôi nhà sàn gỗ, mái lợp cũng bằng gỗ, có tuổi thọ khoảng 130 năm, do “vua săn voi” Khul Ju Nốp (1828-1938) làm với giá tiền lúc đó bằng 12 con voi đực có cặp ngà lớn.
KẾT LUẬN
Đa dạng sinh học trên dãy Trường Sơn rất phong phú, là một hệ sinh thái độc nhất ở Đông Nam Á, gây ngạc nhiên cho các nhà khoa học trên thế giới. Người dân trên dãy Tường sơn có tri thức truyền thống và văn hóa bản địa đặc biệt. Nhờ có văn hóa truyền thống đó và những Hương ước, Luật tục mà nhiều giá trị của ĐDSH trong khu vực được bảo tồn. Tuy vậy, nguồn tài nguyên thiên nhiên trên dãy Trường Sơn vẫn đang bị suy giảm và từng phần bị mất. Vì vậy, điều quan trọng là phải cải thiện quản lý nhà nước, thực thi pháp luật và tăng cường công tác bảo vệ môi trường.
Cần thiết phải có một cơ chế hiệu quả, kết hợp quản lý nhà nước với quản lý của cộng đồng, kế thừa và phát huy những quy định còn phù hợp của Luật tục về bảo vệ thiên nhiên nhất là rừng. Thông qua việc áp dụng cả hai công cụ chính thức (Luật và quy định của Nhà nước) và công cụ không chính thức (Hương ước, Luật tục của cộng đồng) để quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn tài nguyên sinh học trên dãy Trường Sơn. Đây là sự bảo đảm an ninh môi trường không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả ba nước Đông Dương và khu vực sông Mekong.
Tài liệu tham khảo chính
1. Nguyễn Ngọc Sinh và cs., 2011. Bảo tồn Đa dạng sinh học trên dãy Trường Sơn. NXB Tài nguyên thiên nhiên, môi trường và bản đồ.
2. Trần Công Khánh, 2010. Vai trò của cây thuốc trong xóa đói giảm nghèo trên dãy Trường Sơn. Hội thảo Trường Sơn 3 về bảo tồn ĐDSH trên dãy Trường Sơn. Hà Nội.
3. Viện sinh thái và tài nguyên sinh học. Tuyển tập báo cáo Hội thảo Quốc gia lần thứ nhất về sinh thái và tài nguyên sinh học, Hà Nội, 17/5/2005. NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
|
TSKH Trần Công Khánh, Trung tâm Nghiên cứu&Phát triển Cây thuốc Dân tộc Cổ truyền (CREDEP)