quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI THẢO KH

Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng nhìn từ nguồn gen

Thứ Hai, 02/06/2014 | 01:59:23 PM

(VACNE) - Năm 2005, tác giả cùng TSKH Trần Công Khánh hoàn thành và được IUCN phát hành cuốn sách nhỏ 40 trang với tên gọi " ABS - Những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn Việt Nam ".

Nguyễn Ngọc Sinh, VACNE

ĐẶT VẤN ĐỀ

Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng, chủ đề của Hội thảo lần này là vấn đề hết sức phức tạp về mật lý luận và nhất là về mặt thực tiễn.Vấn đề này gắn với việc thực thi các nguyên tắc liên quan đến tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích thu được (viết tắt tiếng  Anh là ABS) của Công ước Quốc tế  về Đa dạng sinh học (CBD).

Năm 2005, tác giả cùng TSKH Trần Công Khánh hoàn thành và được IUCN phát hành cuốn sách nhỏ 40 trang với tên gọi " ABS - Những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn Việt Nam ". Ngay sau đó, tác giả được IUCN đề nghị viết bổ sung một tài liệu đi sâu hơn về quản lý ABS. Cuốn " Đường dài ABS ở Việt Nam" được ấn hành trong hoàn cảnh đó. Cả 2 cuốn vừa nêu đều được dịch và phát hành bằng  tiếng Anh.

Gần 10 năm đã trôi qua, không biết con đường dài trước đây đã rút ngắn được bao nhiêu. Nhằm phục vụ Hội thảo này, chúng tôi xin điểm lại việc thực hiện 15 Hành động đã được cuốn sách trên đề xuất, rút ra những khuyến nghị cần thiết cho tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng nhìn từ ABS nói chung, cũng như của Trường Sơn nói riêng.




TỰ ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN 15 HÀNH ĐỘNG VỀ ABS  ĐƯỢC ĐỀ XUẤT NĂM 2005

1/ Hành động 1 " Xây dưng và trình duyệt Luật Đa dạng sinh học ".

Tình hình thực hiện: Luật Đa dạng sinh học đã được Quốc hội thông qua năm 2008, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2009.Trong Luật có quy định một số nội dung về ABS ( các điều 55, 56, 57, 58,59 và 60 về tiếp cận nguồn gen và điều 61 về chia sẻ lợi ích ) .

Đánh giá: THỰC HIỆN TỐT .

2/ Hành động 2 " Ban hành các văn bản dưới Luật liên quan"

Tình hình thực hiện: Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2010/NĐ-CP năm 2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ĐDSH, trong đó có Điều 18 về nguồn gen và Điều 19 vè chia sẻ lợi ích.

Đánh giá: THỰC HIỆN TỐT.

3/ Hành động 3 " Xác lập cơ quan hoặc các cơ quan thẩm quyền quốc gia "

Tình hình thực hiện: Nghị định số  65/2010/NĐ-CP quy định cơ quan  có thẩm quyền cấp phép là Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Đã quy định thủ tục và trình tự tiếp cận nguồn gen, nhưng còn nhiều nội dung thiếu cụ thể, chưa khả thi, cần được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung.

Đánh giá: ĐANG THỰC HIỆN.

4/ Hành động 4 "Hoàn thành việc phân công, phân nhiệm trong hệ thống quản lý nhà nước, cả ở Trung ương và địa phương"

Tình hình thực hiện: Đã có rất nhiều nỗ lực trong lĩnh vực này, nhưng theo ý kiến chuyên gia của VACNE, hiện còn không ít vấn đề khó, bức xúc về ABS giữa các ngành với nhau và giữa Trung ương với địa phương chưa được giải quyết thỏa đáng.

Đánh giá: ĐANG THỰC HIỆN.

5/ Hành động 5 "Xây dựng cơ chế bảo đảm sự tham gia của cộng đồng"

Tình hình thực hiện:Vấn đề tham gia của cộng đồng vào sự nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học được quy định ở tầm chiến lược, quan điểm, nhưng việc xây dựng cơ chế bảo đảm, ở đây là bảo đảm cho sự tham gia của cộng đồng vào ABS, chưa được thực sự triển khai.

Đánh giá: CHƯA THỰC HIỆN.

6/ Hành động 6 " Tập huấn cán bộ môi trường ở cả Trung ương và địa phương"

Tình hình thực hiện: Trong quá trình tổ chức phổ biến, tập huấn các nội dung liên quan về môi trường, về đa dạng sinh học, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật, Chiến lược Quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ( được phê duyệt ngày 31/7/2013), ...,đương nhiên các nội dung ABS luôn được đề cập. Tuy nhiên, chưa thấy có lớp tập huấn nào chuyên về ABS.

Đánh giá: ĐANG THỰC HIỆN.

7/ Hành động 7 " Tổ chức xác nhận quyền sở hữu trí tuệ cho người dân ùng sâu vùng xa"

Tình hình thực hiện: Đây là công việc rất khó, nhưng lại rất cần thiết đối với ABS, nhất là với cộng đồng người dân vùng sâu vùng xa là những người sở hữu số lượng lớn các tri thức bản địa. VACNE đã xây dựng 2 đề án cho việc này, gõ cửa khắp nơi, trình bày các cơ quan, tổ chức trong nước, ngoài nước, đâu cũng khen hay, nhưng không ai cấp kinh phí thực hiện.

Đánh giá: CHƯA THỰC HIỆN.

8/ Hoạt động 8 "Coi trọng việc giám sát, sơ kết và tổng kết công tác thực hiện"

Tình hình thực hiện: Chúng ta, kể cả nhiều nước trên thế giới đều chưa có nhiều kết quả thành công về ABS, vì vậy Hành động này rất quan trọng để nhanh chóng phát hiện các điểm mạnh, yếu , kịp thời bổ sung cho quá trình ABS. Trên thực tế,  các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đã và đang tiến hành nhiều công việc sơ kết , tổng kết, trong đó có các nội dung về ABS.

Đánh giá: ĐANG THỰC HIỆN.

9/ Hoạt động  " Thống nhất các khái niệm , thuật ngữ, phương pháp"

Tình hình thực hiện: Trong khi chuẩn bị soạn thảo nghị định của Chính phủ về ABS, Tổng cục Môi trường đã thực hiện một nhiệm vụ rất có ý nghĩa là điều tra, khảo sát về tình hình quản lý ABS ở các bộ, ngành, địa phương và  tổ chức liên quan. Dựa vào kết quả của Đợt khảo sát về ĐDSH được tổ chức trong 5 năm 2009 – 2014 ở nhiều nước trên thế giới, Bà Julia Maria Oliva, chuyên  gia UEBT tại Hội thảo Tăng cường năng lực về ABS của Tổng cục Môi trường tháng 5/2014 đã tổng kết những lý do khiến việc triển khai ABS chậm là do: Thiếu rõ ràng về các khái niệm cốt lõi; Chưa nhất quán về mục tiêu ABS; Thủ tục rườm rà; Nhận thức cũng như các phương pháp áp dụng bởi các viện nghiên cứu và các công ty còn nhiều hạn chế.

Đánh giá: ĐANG THỰC HIỆN.

 

10/ Hành đng " Nghiên cu các vn đ bc xúc v ABS"

Tình hình thực hiện: Có thể nói, có quá nhiều các vấn đề bức xúc về ABS, nhưng việc nghiên cứu còn mang tính hoặc là quá hàn lâm, hoặc chỉ là hành chính, chỉ ở mức độ điều tra, cố gắng hiểu và theo cho kịp tình hình ABS, nhất là của Công ước ĐDSH (ví dụ yêu cầu trong quá trình tham gia Nghị định thư Nagoya  được thông qua vào ngày 29/10/2010 tại CBD - COP 10).

Đánh giá: CHƯA THỰC HIỆN.

11/ Hành động " Phát hiện và nghiên  cứu các trường hợp tiêu biểu của Việt Nam về ABS"

Tình hình thực hiện: Theo VACNE, hiện chưa có lựa chọn có chủ đích nào cho việc phát hiện và tổ chức nghiên cứu có mục đích về các trường hợp ABS tiêu biểu của Việt Nam. Trong cuốn  “Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích “mà Cục Bảo tồn ĐDSH vừa phát hành năm 2013, thấy nêu trường hợp điển hình về tri thức bản địa là “Thuốc tắm của người Dao Đỏ”. Dự án “ Phát triển các hoạt động thương mại sinh học trong lĩnh vực hợp chất tự nhiên ở Việt Nam “ có nhiều nội dung lý thú liên quan ABS, hiện đang trong thời kỳ thực hiện. Trên thực tế, Việt Nam có không ít những trường hợp như thế này, cần được khảo sát, phân loại , đánh giá để tổ chức nghiên cứu cho các mục đích khác nhau, phục vụ bảo tồn ĐDSH và sinh kế cộng đồng, nhất là ở các khu vực miền núi, trong đó có Trường Sơn.

 

Đánh giá: CHƯA THỰC HIỆN.

 

12/ Hành động “ Kết hợp chặt chẽ với truyền thông môi trường”

 

Tình hình thực hiện: Tuy chưa thật rõ nét về việc kết hợp truyền thông giữa ABS và môi trường, nhưng với sự nở rộ của công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường, trong đó có ABS thời gian qua theo đánh giá của nhiều người, có thể nói, các nội dung ABS đang từng bước đến với người dân và  doanh nghiệp.

 

Đánh giá: ĐANG THỰC HIỆN.

 

 

13/ Hoạt động “Xây dựng các điểm trình diễn”

 

Tình hình thực hiện: Hiện chưa thê có điểm trình diễn nào do tình hình thực hiện chưa thật tốt các hành động liên quan ở trên.Tiềm năng về vấn đề này còn để ngỏ.

 

Đánh giá: CHƯA THỰC HIỆN.

 

14/ Hoạt động “Xuất bản các ấn phẩm đặc thù”

 

Tình hình thực hiện: Ngoài các tài liệu, ấn phẩm liên quan đến một số dự án, nhiệm vụ về ABS đã được phát hành ở phạm vi hẹp, hiện chưa có ấn phẩm đặc thù nào, nhất là những ấn phẩm hoặc phần ấn phẩm định kỳ, thường xuyên về ABS được phát hành. Lưu ý rằng, trong trang Web của Công ước ĐDSH, ABS có vị trí rất đáng phải học.

 

Đánh giá: CHƯA THỰC HIỆN.

 

15/ Hoạt động “ Đẩy mạnh hợp tác quốc tế”

 

Tình hình thực hiện: Việc này được tiến hành thường xuyên bởi các cơ quan nhà nước, nhưng xin được nói thẳng là, phần lớn theo yêu cầu chung của Công ước ĐDSH.  Khi làm việc với VACNE, nhiều chuyên gia quốc tế nhận xét rằng vấn đề ABS chưa được Việt Nam quan tâm đúng mức, và đấy là một lý do mà các bạn đang bị thiệt thòi, mất mát trong lĩnh vực này.

 

Đánh giá: ĐANG THỰC HIỆN.   

                                  

PHÂN TÍCH TNG HP

1.    Theo đánh giá chủ quan của tác giả, trong tổng số 15 hành động, chỉ có 2 đã được thực hiện tốt, 7 đang được thực hiện với các mức độ khác nhau, trong đó không ít chỉ là mới bắt đầu. Có tới 6 hành động bị đánh giá là chưa được tổ chức thực hiện. Không cần đi sâu vào phân tích, so sánh, có thể nêu khái quát rằng, về tổng thể, theo cách tiếp cận của tác giả, trong gần 10 năm qua, chúng ta mới chỉ thực hiện được một phần những công việc cần làm liên quan đến ABS. Phần còn lại là rất lớn, liên quan nhiều đến thể chế, luật pháp, xây dựng tiềm lực, truyền thông , nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế,…nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc về lý luận và thực tiễn triển khai ABS ở Việt Nam.

2.    Tổng hợp thông tin về những đánh giá của cộng đồng xung quanh vấn đề ABS, chúng tôi thấy phần lớn ý kiến đều cho rằng đây là vấn đề mới, rất phức tạp, còn chưa được nghiên cứu thỏa đáng, thậm chí còn chưa được quan tâm đúng mức. Dư luận đòi hỏi phải chú trọng và tập trung đầu tư cho ABS, khẩn trương xây dựng tổ chức và lực lượng bảo đảm theo kịp được trình độ của các nước trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến ABS.

3.    Ngày 23/4/2014, Việt Nam chính thức gia nhập và trở thành thành viên thứ 31 của Nghị định thư Nagoya về ABS. Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học kiến nghị, trong 2 năm 2014 – 2015, chúng ta cần tâp trung thực hiện 3 công việc sau: Rà soát, đánh giá việc hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc tiếp cận nguồn gen tại Việt Nam từ năm 2000 đến 2013: Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý ABS và Xây dụng Đề án tăng cường năng lực về quản lý ABS tại Việt Nam.

4.    Kết hợp 3 loại ý kiến vừa nêu, có thể thấy rằng, nhiều nội dung khá thống nhất với nhau tuy cách thức thể hiện có thể chưa thống nhất. Đây là sự đồng thuận rất quan trọng giữa cơ quan quản lý với cộng đồng, trong đó có các nhà khoa học trong việc xác định những vviệc cần làm về ABS trong thời gian sắp tới.

5.    Để thuận tiện cho việc đánh giá của cộng đồng, rút kinh nghiệm từ các Hành động đã đưa ra trước đây (15 Hành động), nhằm góp phần nhanh chóng đưa ABS vào cuộc sống, đóng góp thiết thực cho các Hội thảo thường niên về Bảo tồn Đ DSH dãy Trường Sơn,cần tổng hợp và kiến nghị thực hiện số lượng vừa phải các Hành động.

 

 

ĐỀ XUẤT CÁC HÀNH ĐỘNG CẦN THỰC HIỆN ĐỐI VỚI ABS TRONG THỜI GIAN TỚI

 

Trên cơ sở các phân tích và đánh giá vừa nêu, dưới đây tiếp tục đề xuất một số hành động nhằm tổ chức thực hiện tốt ABS, một trong những nội dung quan trọng về bảo tồn ĐDSH, bảo đảm cuộc sống cộng đồng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Những hành động này cũng sẽ là những thước đo giúp cộng đồng đánh giá sự thành công của lĩnh vực ABS ở nước ta.

 

Hành động 1. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về ABS

Việc hoàn thiện này bao gồm cả việc điều chỉnh, bổ sung Luật ĐDSH, khẩn trương ban hành Nghị định của Chính phủ về ABS, chú trọng phân định trách nhiệm giữa các bên trong ABS, chú trọng xây dựng cơ chế huy động sự tham gia của cộng đồng trong ABS và những nội dung thiết thực khác.

 

Hành động 2. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ABS

Như đã thấy trong các phần trên, có rất nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến ABS mà nếu không được nghiên cứu đầy đủ, không được thử nghiệm nghiêm túc, không  được đúc rút kinh nghiệm trong và ngoài nước một cách hệ thống thì không thể có được thành công trong ABS.

 

Hành động 3.Nâng cao năng lực quốc gia về ABS.

Các nội dung của Hành động này chắc chắn có nhiều trùng hợp với  Đề án do Cục Bảo tồn ĐDSH dự kiến thực hiện. Hành động này nhấn mạnh tiềm lực quốc gia là có ý nói cả về tiềm lực của cộng đồng, yếu tố thường ít được chú ý, nhưng lại rất quan trọng trong việc thực hiện ABS.

 

Hành động 4. Tăng cường và đổi mới công tác truyền thông và nâng cao nhận thức về ABS.

Trong Hành động được đề xuất cần chú trọng nội hàm mang tính chất đổi mới. Cần đổi mới cả về nội dung, hình thức, cả về các phương thức kết hợp, lồng ghép truyền thông ABS với các truyền thông khác, giữa trong nước và ngoài nước.

 

Hành động 5. Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế về ABS

Cục Bảo tồn ĐDSH dự kiến nội dung lớn về kiểm kê, đánh giá iệc tiếp cận nguồn gen của các tổ chức,cá nhân nước ngoài trong thời gian gần đây là rất đúng. Việc nước ta đã nhanh chóng tham gia Nghị định thư Nagoya về ABS là rất kịp thời. Học hỏi kinh nghiệm mọi mặt của các mước, các tổ chức quốc tế liên quan rất nên được thường xuyên chú ý, tạo cơ hội thuận tiện.

 

 

KẾT LUẬN

 

1/ Vấn đề ABS hết sức quan trọng đối với bảo tồn ĐDSH, sinh kế cộng đồng và phát triển bền vững. Một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của ABS chính là việc xác định, đánh giá và ứng xử đúng đắn với tri thức bản địa gắn liền với nguồn gen.

 

2/ Nội hàm tri thức bản địa, nội hàm ABS đều rất phức tạp, chưa thực sự được thống nhất ở nhiều cấp độ khác nhau, càng sát với thực tế càng phức tạp hơn, càng khó được thống nhất hơn. Vì vậy, duy trì và mở rộng Hội thảo Trường Sơn của chúng ta là việc làm cần thiết.

 

3/VACNE rất mong được hỗ trợ mọi mặt để cùng Cục Bảo tồn Đ DSH tiếp tục tổ chức Hội thảo này, như một Hành động đặc thù , quan trọng và rất dễ được kiểm chứng.

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM   KHẢO

 

1.    Cục Bảo tồn ĐDSH. 2013. Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Cục Bảo tồn xuất bản

2.    Luật Đa dạng sinh học. 2008.

3.    Nghị định thư Nayoga về ABS. 2013. Cục Bảo tồn xuất bản

4.    Nguyễn Ngọc Sinh và Lê Thanh Bình.2004.Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích – Những thách thức trong việc thực hiện Công ước Đa dạng sinh học ở Việt Nam. Tài liệu Hội thảo “ ABS “tại Hà Nội, tháng 6/ 2004

5.    Nguyễn Ngọc Sinh. 2005. Đường dài ABS ở Việt Nam. IUCN xuất bản

 

 

Lượt xem: 4639

Các tin khác

Dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(28/05/2014 11:49:AM)

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa-sinh học của các dân tộc trên dãy Trường Sơn

(23/05/2014 10:48:AM)

Có nên phát triển vùng trồng ba kích Tây Giang?

(22/05/2014 05:29:AM)

Mời dự Hội thảo khoa học về sản xuất sạch hơn

(28/03/2014 03:30:PM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần cuối)

(22/03/2014 09:28:AM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần 1)

(20/03/2014 08:56:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần cuối)

(01/03/2014 03:29:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 2)

(27/02/2014 09:00:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 1)

(27/02/2014 10:44:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE