Nguyễn Đình Hòe, VACNE

Đường Hồ Chí Minh ở Quảng Nam, ảnh internet
1. Diện mạo tuyến đường
Đường Hồ Chí Minh là tuyến xa lộ hiện đại, trải nhựa bóng láng, rộng 2 làn xe, dài gần 190km cắt qua miền Tây tỉnh Quảng Nam. Bám gần sát tuyến đường mòn Hồ Chí Minh từ thời kháng chiến chống Mỹ, xa lộ Hồ Chí Minh chạy dọc theo đỉnh Trường Sơn, giữa rừng cây và đá núi, nối liền 4 thị trấn nhỏ của miền Tây Quảng Nam: Prao (còn gọi là Hiên), Thạnh Mỹ, Nam Giang và Khâm Đức. Phần lớn chiều dài tuyến đường không có dân ở, cắt qua những vùng đồi núi hiểm trở, cây cối chỉ mới kịp mọc lại sau những trận rải chất diệt cỏ của Mỹ gần 40 năm trước. Từ Thạnh Mỹ đi Khâm Đức, xa lộ chạy dọc Sông Cái - nhánh chính của sông Vu Gia. Đây là con sông trẻ, lắm ghềnh đá và những đoạn ngoặt dòng đột ngột. Các vạt phù sa nhỏ hẹp bám sát theo dòng nước, không đủ độ rộng cho những vạt ngô, đậu khoe sắc màu. Cũng chính ở đoạn này mới gặp những khoảnh rừng già may mắn còn sót lại qua thời kỳ chiến tranh và chưa bị chặt phá làm nương rẫy.
Xa lộ hiện đại nhưng còn rất ít xe chạy. Bà con dân tộc ít người đi lấy củi, đi làm rẫy và hàng đàn trâu bò là những khách bộ hành chính trên xa lộ. Sự hoang vu của những vệt rừng mà xa lộ xuyên qua thật trái ngược với vẻ đẹp hiện đại của xa lộ. Đó chính là cảm giác đầu tiên và xuyên suốt hành trình trên xa lộ Hồ Chí Minh ở Quảng Nam.
2. Hai cha con viện sỹ Hàn lâm Pháp và miền Tây Quảng Nam
Vào những năm 1930 của thế kỷ trước, có một sỹ quan Pháp ở Đông Dương rất say mê nghiên cứu dân tộc học. Đó là ông Le Picheon. Nhà nghiên cứu nghiệp dư này rất ngưỡng mộ nền văn hoá của dân tộc K'Tu. Bằng nhiều cách đi bộ, đi ngựa, đi võng, Le Picheon bỏ nhiều ngày leo đèo, vượt suối, xuyên rừng lên tận vùng đất hiểm trở của huyện Tây Giang. Năm 1938, ông công bố cuốn sách có tên "Những kẻ săn máu" (Les Chasseurs de Sang). Cho đến nay, đó vẫn là một tài liệu kinh điển về vùng đất và văn hoá K'Tu ở Việt Nam. Trong cuốn sách đó, khác với nhiều tài liệu kỳ thị chủng tộc đương thời, Le Picheon bày tỏ sự ngưỡng mộ một dân tộc sống biệt lập với thế giới bên ngoài, nhưng hoàn toàn không phải một "bộ tộc dã man" mà là một tộc người văn minh nhưng đang suy thoái do bị cô lập. Những nghiên cứu dân tộc học hiện đại sau đó chứng minh rằng K'Tu là một tộc người Việt Đông Sơn di cư về phương Nam khoảng vài ngàn năm trước. Vì bị cô lập, dân tộc này vẫn đang lưu giữ nhiều đặc điểm văn hoá của người Việt từ thời văn hoá Đông Sơn. Có thể nói văn hoá K'Tu là một bảo tàng sống về văn hoá Đông Sơn ngay trong giai đoạn hiện đại. Vào năm cuốn sách của Le Picheon được công bố, cậu con trai của ông - Le Picheon con - mới 2 tuổi. 30 năm sau, Le Picheon con là người sáng lập ra học thuyết "Kiến tạo mảng" - một học thuyết địa chất hiện đại làm thay đổi tận gốc lý thuyết địa chất học và nhờ đó, Le Picheon con trở thành viện sỹ viện Hàn lâm khoa học Pháp. Vị viện sỹ đó chỉ đạo một chương trình nghiên cứu địa chất hợp tác Pháp - Việt ở Việt Nam vào những năm 1988 - 1992. Khi đến Việt Nam, ông đã cố gắng về lại Tây Giang, nơi mà thân phụ ông đã từng đến nghiên cứu về văn hoá K'Tu, nhưng điều kiện đường xá và lũ lụt đã không cho viện sỹ thoả lòng ước ao.
Áp dụng học thuyết của Le Picheon con, các nhà địa chất đã phát hiện ra rằng Quảng Nam nằm trong vùng đất ghép nối giữa 2 lục địa cổ: Tiểu lục địa Tây Nguyên và Tiểu lục địa Bắc Trường Sơn, đều tách ra từ Châu Úc, dạt về phía Bắc và tái gắn kết lại vào khoảng 300 - 400 triệu năm trước. Những di tích của đáy đại dương cổ vẫn còn gặp rải rác trong những khối núi hiện tại. Xa lộ Hồ Chí Minh như chiếc cầu nối giữa 2 cổ lục địa. Sẽ còn nhiều nhà địa chất tìm đến miền Tây Quảng Nam để tìm hiểu về vùng đất đặc biệt này, để lý tại sao ở đây lại có nhiều loại hình khoáng sản đặc thù không nơi nào có.
3. Con đường xoá đói nghèo
Dọc theo xa lộ Hồ Chí Minh, cứ mỗi đoạn lại gặp tượng đài hoặc bia tưởng niệm chiến tích của các chiến sĩ Trường Sơn và bà con dân tộc miền núi Quảng Nam trong suốt chặng đường kháng chiến chống Mỹ. Những dấu tích này biến xa lộ thành con đường của huyền thoại, của di sản. Những chiến công hào hùng của quá khứ lại cực kỳ tương phản với cuộc sống còn quá đói nghèo của hàng vạn người dân anh hùng. Những nóc nhà K'Tu che tạm bằng vách nứa, những bữa ăn đạm bạc chủ yếu là sắn (củ mỳ). UBND huyện Tây Giang cho đến gần đây mới có trụ sở làm việc. Hồi mới tách huyện vào năm 2003, cán bộ phải ở nhờ trong nhà dân. Hồi đó, mỗi ngày một chuyến xe khách từ Tây Giang ra thị trấn Prao (Hiên) rồi vội vàng trở lại cho kịp trước khi trời tối trên một đoạn đường gập ghềnh đá sỏi chưa đầy 40km. "Vào chợ mua rau thì không kịp mua cá" - một chị cán bộ huyện Tây Giang tâm sự. Ông Hồi, cán bộ chi cục Định canh - Định cư Quảng Nam hồi đó cho biết "bà con nghèo đến mức không còn biết thế nào là nghèo". Việc tổ chức định cư cho những "nóc" (buôn) có cuộc sống khó khăn và chưa ổn định ra dọc tuyến đường Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ nặng nề mà cơ quan của ông Hồi khi đó phải gánh vác. Nhưng dọc tuyến xa lộ chạy vắt vẻo trên đỉnh Trường Sơn này, tìm ra mặt bằng để định cư khoảng vài chục hộ dân là điều cực kỳ khó khăn. Nhiều phương án định cư đã được đề xuất, bàn bạc, lựa chọn để biến vùng đất dọc hai bên xa lộ Hồ Chí Minh trở thành vùng phát triển về kinh tế và an ninh quốc phòng.
A Sờ - một làng kinh tế mới do thanh niên lập nghiệp ở gần thị trấn Prao (Hiên) - là một thử nghiệm cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dọc xa lộ Hồ Chí Minh vào đầu những năm 2000. Đã có hàng trăm hộ gia đình trẻ lên A Sờ lập nghiệp. Thị trấn mới Nam Giang của huyện Nam Giang đã được xây dựng, đang thu hút nhân dân lên định cư lập khu đô thị 10 ngàn người, trấn giữ ngã ba xa lộ Hồ Chí Minh và đường lên cửa khẩu Đắc Tà Oọc ở biên giới Việt Lào…Ngành du lịch cũng khởi động một dự án xây dựng làng văn hoá dân tộc K'Tu ở A Vương, như một trung tâm du lịch văn hoá và sinh thái vùng, góp phần xoá đói nghèo.
Đêm đêm, người K'Tu vẫn tụ tập tại nhà gươl (nhà làng) ở giữa "nóc" (buôn) để bàn bạc chuyện làm ăn, để dạy thanh niên kinh nghiệm sản xuất, để dàn xếp các mâu thuẫn trong "nóc", để chuẩn bị cho ma chay, cưới hỏi, lễ hội… Mọi chuyện bàn bạc đều bằng hát, một lối hát dân gian không biết có tự bao giờ, được gọi là hát lý. Bên hũ rượu làm từ nước cây tavac, nước cây tađin, không biết từ bao đời, bài lý luôn được mở đầu bằng câu trách phận "ôi, tội nghiệp chúng tôi, chúng tôi còn nghèo khổ lắm…".
Phụ nữ K’Tu rất thích chuỗi hạt hổ phách, ảnh Internet
Xa lộ Hồ Chí Minh, đối với người K'Tu cũng như với hàng vạn đồng bào miền Tây Quảng Nam không chỉ là đường đi mà còn là con đường xoá đói nghèo. Mồ hôi, sức lực và trí tuệ của chính quyền và nhân dân xứ Quảng sẽ còn phải đổ rất nhiều trên con đường này để có ngày câu mở đầu của các bài lý K'Tu sẽ thay đổi, không còn là câu trách phận nghèo nữa./.