quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI THẢO KH

TG 8: Hoài niệm Tây Giang

Thứ Tư, 23/05/2012 | 04:29:00 PM

Đây là những kỷ niệm của tôi với Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp – Le Picheon - về những kỷ niệm mà thân phụ của ông không thể quên ở vùng đất của dân tộc Cơ Tu huyện Tây Giang – Quảng Nam.

Nguyễn Đình Hòe - VACNE


Vu dieu Ya Ya K Tu 2.jpg

  điệu Ya Ya – Dân tộc Cơ Tu - Tây Giang


1.Năm 1990
, Đoàn nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp sang Việt Nam tổ chức hợp tác nghiên cứu về “Địa động lực Biển Đông và vùng đất liền lân cận”. Đoàn do Viện sỹ Le Picheon (trong các bài TG 1 và TG 6 tôi gọi là Le Picheon – con) chỉ đạo. Đoàn cần 1 chuyên gia Việt Nam tháp tùng làm trợ lý nghiên cứu kiêm thông ngôn với yêu cầu phải đáp ứng đủ 3 tiêu chuẩn: 1. Giao tiếp được bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh, 2. Thạo địa chất miền Nam và 3. Thạo sử dụng ảnh vệ tinh đa phổ phân giải cao. 3 tiêu chuẩn này hiện nay không thiếu chuyên gia nhưng vào năm 1990 thì ở Khoa Địa lý - Địa chất trường Đại học Tổng hợp (cũ) nơi tôi giảng dạy lại hơi khó kiếm. Lúc đó tôi chưa nghiên cứu về Địa động lực nhưng vẫn được chọn vì đáp ứng cả 3 tiêu chuẩn mà Viện sỹ yêu cầu. Khi lên đường tôi hỏi ông vì sao ông triển khai đề án này tại Việt nam? Ông cười hiền: thân phụ ông (Le Picheon – bố) có rất nhiều kỷ niệm với Việt Nam và chính ông thời bé đã từng ở Việt Nam.


2.Đến Đà Nẵng
, ông yêu cầu lên Bà Nà nơi gia đình ông đã từng ở trên đó. Bà Nà lúc đó bị bỏ hoang đã lâu, đường xá không có nhưng ông vẫn quyết định lội bộ. Đến Hòa Khánh, đường lầy lội xe không đi nổi, ông quyết định bỏ xe đi bộ cùng với Tiến Sỹ Rangin – Giám đốc nghiên cứu của Đại học Paris VI đồng thời là học trò của ông - và tôi. Lúc đó đã tầm 2 giờ chiều. Trời lúc mưa lúc tạnh.  Không áo mưa, không mũ nón, không đồ ăn nước uống mang theo. Hai ông Tây cao lớn sải những bước dài. Cứ dăm phút tôi phải chạy gằn đuổi theo cho kịp mặc dù so với khổ người Việt nam, tôi cũng không nhỏ bé gì và khi đó tôi cũng đã trải 20 năm kinh nghiệm trong nghề Địa chất. Tôi nói nếu xuôi sẻ thì cũng phải đến nửa đêm mới đến đỉnh Bà Nà. Viện sỹ nói ngay: nếu đi đến sáng cũng cứ đi. Đến chỗ ngầm cắt qua đoạn nhánh sông Túy Loan (bây giờ chỗ này đã có cầu), lũ về tràn bờ, đến xe reo chở gỗ cũng không dàm vượt sông. Ngồi chờ chừng nửa giờ lũ càng lớn. Ông quyết định trở về trong tiếc nuối. Tôi lại thấy mừng vì không phải đi tiếp. Ông là Viện sỹ Viện Hàn Lâm Pháp, rủi ngã xuống vực hay rắn cắn thì nguy! Chưa nói đồ ăn uống chẳng có gì đem theo).


3. Đến Thăng Bình
(Quảng Nam), ông lại yêu cầu lên Tây Giang (khi đó vẫn thuộc huyện Hiên vì chưa tách huyện). Chiếc Landcruiser già lọc cọc bò trên con đường đầy ổ gà và đá răm. Đến bến phà Hiệp Đức, lại lũ. Phà không chạy nổi. Chờ chừng một giờ ông lại ngậm ngùi quay lui về lại Tam Kỳ. Ông nói thân phụ ông (Le Picheon – bố) những năm 1930 từng là quan ba Pháp đóng đồn tai Hiên và Giằng, đã từng lên Tây Giang nghiên cứu dân tộc học và có nhiều kỷ niệm đẹp về người Cơ Tu ở đó. Thân phụ ông nhiều lần nói với ông rằng khi ông cụ khi lên Tây Giang đã sửng sốt vô cùng khi nhìn thầy một tộc người (Cơ Tu) tuy nghèo nàn, rách rưới phải mặc áo vỏ cây, nhưng có làn da trắng mịn, tóc phụ nữ đen và dài, gương mặt sáng láng không giống chút nào với các tộc người khác ở Trường Sơn vốn tóc xoăn da đen. Trong công trình nghiên cứu dân tộc học Cơ Tu nổi tiếng công bố năm 1938, Le Picheon – bố khẳng định tộc người Cơ Tu không phải người bản địa mà là một tộc người văn minh di cư đến và bị suy thoái do cô lập. Nhận định này về sau được xác nhận bỏi các tài liệu nghiên cứu khảo cổ học, dân tộc học và văn hóa học. Cơ Tu chính là người Việt thời Hùng Vương của Vương quốc Văn Lang di cư về phía Nam trong khoảng trước và sau Công nguyên.


4. Đến Đà Lạt
, ông tìm về căn biệt thự cũ ngày trước gia đình ông đã ở và còn nhận ra vết đạn bắn vào tường trong phòng tắm vẫn y chang như trong trí nhớ của ông, khi đó còn là một chú bé mới đến tưổi đi học.


5. Cuối năm 1991
, tôi sang thực tập sau Tiến Sỹ (Posdoc) tại Đại học Paris VI, cùng làm việc với Tiến sỹ Rangin dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Viện sỹ Le Picheon – con suốt nửa năm. Trong rất nhiều lần cùng ông ăn trưa hay uống cà phê, ông nói cụ thân sinh của ông vẫn rất nhớ kỷ niệm Việt Nam, rất buồn vì ông chưa đến được Bà Nà và Tây Giang như lời thân phụ dặn. Ông còn cho tôi xem tập bản đồ Pháp cũ kỹ thân phụ ông đánh dấu những địa danh thuộc Tây Giang mà cụ đã từng đến (năm đó cụ thân sinh ông đã 80 tuổi).


6. Viện sỹ Le Picheon
không chỉ  là một người bạn lớn của giới Khoa học Trái Đất Việt Nam, mà còn “mang dòng máu và trái tim Việt Nam “ như ông vẫn nói. Có lẽ những ấn tượng tốt đẹp và sự cảm phục về người Cơ Tu đã in sâu vào trái tim và khối óc của hai cha con Viện sỹ Le Picheon. Năm nay viện sỹ đã 76 tuổi. Không rõ ông còn khỏe để về thăm lại Tây Giang không. Những ngày ở Paris, tôi thấy ông vẫn gìn  giữ và nâng niu đồng bạc Đông Dương đúc năm 1936 là năm sinh của ông trong ví. Người Tây Giang còn nghèo nhưng chắc chắn không quên cha con ông./.



Lượt xem: 1764

Các tin khác

Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng nhìn từ nguồn gen

(02/06/2014 01:59:PM)

Dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(28/05/2014 11:49:AM)

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa-sinh học của các dân tộc trên dãy Trường Sơn

(23/05/2014 10:48:AM)

Có nên phát triển vùng trồng ba kích Tây Giang?

(22/05/2014 05:29:AM)

Mời dự Hội thảo khoa học về sản xuất sạch hơn

(28/03/2014 03:30:PM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần cuối)

(22/03/2014 09:28:AM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần 1)

(20/03/2014 08:56:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần cuối)

(01/03/2014 03:29:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 2)

(27/02/2014 09:00:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE