quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI THẢO KH

VIỆT NAM: Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu (Phần 3): Hai mươi năm phát triển bền vững của Việt Nam - Tồn tại và thách thức

Thứ Bảy, 23/03/2013 | 05:33:00 PM

Bài viết của GS.TSKH. Trương Quang Học, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, Trưởng ban Biến đổi khí hậu của VACNE

2.3. c
Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng những thành tựu đạt được nêu trên chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước. Kinh tế phát triển chưa bền vững. Thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa được hình thành đầy đủ. Cụ thể:
2.1.2.1. Về Kinh tế
Chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế còn thấp. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng dựa vào tăng vốn đầu tư trong và ngoài nước và khai thác các nguồn tài nguyên thô, tỷ lệ giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu còn thấp, sức cạnh tranh chưa cao cả trên thị trường trong và ngoài nước. Năng suất lao động xã hội còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Hàm lượng khoa học và đổi mới công nghệ trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp còn ở mức rất hạn chế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn rất thấp. Chưa kết hợp thật nhuần nhuyễn giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội bảo vệ tài nguyên và môi trường... Tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu tài nguyên thô, hoặc công nghiệp gia công với tỷ lệ giá trị gia tăng thấp.
2.1.2.2. Về Xã hội
Tình trạng tái nghèo ở một số vùng như vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai vẫn còn cao. Giải quyết việc làm chưa tạo được sự bứt phá về năng suất lao động, chưa tạo được nhiều việc làm bền vững, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên còn cao ở mức 7% năm. Thị trường lao động chưa phát triển đồng bộ. Ở nông thôn, tình trạng thiếu việc làm còn trầm trọng, tiềm ẩn nguy cơ thất nghiệp, nhất là ở các khu vực đô thị hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cơ cấu dân số biến động mạnh, mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng nghiêm trọng. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân còn nhiều bất cập; sản xuất, quản lý và sử dụng thuốc chữa bệnh còn nhiều yếu kém, thiếu sót. Tình hình ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm vẫn còn cao, chưa có khả năng kiểm soát. Hệ thống an sinh xã hội và bảo hiểm xã hội đang trong quá trình phát triển nên chưa bao phủ rộng khắp, đặc biệt là khu vực nông thôn và khu vực phi kết cấu. Hệ thống giáo dục quốc dân chưa đồng bộ, chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu phát triển của đất nướctrong điều kiện hội nhập.
2.1.2.3. Về Môi trường
Công tác bảo vệ môi trường còn nhiều mặt yếu kém; tài nguyên thiên nhiên vẫn đang bị khai thác lãng phí và sử dụng kém hiệu quả, các vấn đề môi trường như ô nhiễm môi trường nước, không khí; suy giảm đa dạng sinh học; tỷ lệ thu gom chất thải rắn chưa đạt yêu cầu, khai thác khoáng sản bừa bãi gây bức xúc trong nhân dân. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa đồng bộchưa theo kịp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Về chế tài xử phạt các vi phạm pháp luật về môi trường chưa đủ mạnh để xử phạt và răn đe các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.  Lực lượng cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường có thiếu và yếu về chất lượng; Nhận thức về vảo vệ môi trường và PTBV ở các cấp, các ngành và nhân dân chưa đầy đủ; Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên vẫn đang diễn ra tương đối phổ biến(Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2011; Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2012 ).  Có những ý kiến cho rằng Việt Nam phát triển chưa bền vững về mặt môi trường (Phạm Ngọc Đăng, 2010)
Trong tương lai, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động tiêu cực mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng và thường xuyên bị thiên tai, làm cho việc đảm bảo môi trường bền vững đòi hỏi nỗ lực hơn nhiều trong thời gian tới. Việc đảm bảo bền vững về môi trường là thách thức lớn đối với Việt Nam ở tất cả các khía cạnh về môi trường. Nỗ lực của một quốc gia riêng lẻ là chưa đủ, nhất là khi quá trình công nghiệp hóa đi sâu, thì chi phí để phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng cần phải có sự hợp tác chặt chẽ của nhiều nước (Bộ TN&MT, 2010; Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2012a, b).
2.1.2.4. Về thể chế
Đây là lĩnh vực quan trọng nhất vì nó liên quan tới và quyết định sự thành công của cả ba lĩnh vực trên. Những tồn tại và yếu kém chủ yếu bao gồm:
a.    Về chính sách
-   Chúng ta, cho tới nay, chưa có một chủ thuyết cho sự phát triển của đất nước;
-   Nội hàm của khái niệm xuyên suốt “Cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” cũng chưa được làm rõ đầy đủ;
-   Cơ sở khoa học và thực tiễn của nhiều chính sách, thậm chí chính sách lớn thiếu hoặc chưa được xây dựng một cách chắc chắn. Điển hình là trong quy hoạch (quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành cũng như của các địa phương) còn nhiều bất cập, chưa thực sự dựa trên nền tảng khoa học của Khu vực học, của Địa lý học tổng hợp, mà chủ yếu dựa trên các đơn vị hành chính, nên gây nhiều chống chéo, bất cập, thậm chí mâu thuẫn và lãng phí.
-   Đầu tư chưa đúng trọng tâm, đúng chỗ, đúng lúc và dàn trải. Khoa hoc, Giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là hòn đá tảng cho CNH, HĐH đất nước, nhưng chưa được đâu tư đúng mức, đặc biệt là trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố quyết định sự phát triển và cạnh tranh trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay.
-   Những bất cập trong cơ chế tài chính…
Vì vậy, nhiều chủ trương, đường lối chưa đi vào thực tế đời sống, kém hiệu quả, thậm chí gây lãng phí lớn. Điển hình như chủ trương xây dựng các quả đấm thép của các Tập đoàn kinh tế nhà nước (Vinashin – Vinaline …), các khu kinh tế của khẩu, hệ thống cảng nước sâu hay hiện tượng quy hoạch treo của rất nhiều khu công nghiệp; sự phát triển ồ ạt của nhiều đô thị vượt ra ngoài quy hoạch, sự luẩn quẩn và lạc hậu của hệ thống giáo dục…
b.Về tổ chức thực hiện
-      Còn nhiều chồng chéo trong quản lý giữa các bộ ngành, địa phương (đặc biệt là giữa các “vương quốc” tỉnh);
-      Thiếu sự giám sát đánh giá khách quan. Cho tới rất gần đây, bộ chỉ tiêu gồm 30 chỉ tiêu đánh giá tính bền vững của phát triển mới được chính thức ban hành (9.2012);
-      Hệ thống thực thi pháp luật chưa nghiêm minh và hiệu quả…; cộng với
-      Nạn tham nhũng và các yếu kém khác của hệ thống quản lý…
Tất cả các yếu tố này đã cản trở đáng kể sự phát triển của đất nước trong tiến trình hội nhập hiện nay.
 
 

Lượt xem: 2815

Các tin khác

Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng nhìn từ nguồn gen

(02/06/2014 01:59:PM)

Dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(28/05/2014 11:49:AM)

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa-sinh học của các dân tộc trên dãy Trường Sơn

(23/05/2014 10:48:AM)

Có nên phát triển vùng trồng ba kích Tây Giang?

(22/05/2014 05:29:AM)

Mời dự Hội thảo khoa học về sản xuất sạch hơn

(28/03/2014 03:30:PM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần cuối)

(22/03/2014 09:28:AM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần 1)

(20/03/2014 08:56:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần cuối)

(01/03/2014 03:29:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 2)

(27/02/2014 09:00:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE